Xe container tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. |
Ùn ứ phương tiện vận tải
Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm gần đây mặt hàng thanh long xuất khẩu chiếm khoảng 70% tổng sản lượng, giá trị các hàng hóa nông sản, trái cây xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Cụ thể, năm 2020 xuất khẩu đạt 660.000 tấn, giá trị 640 triệu USD. Thời điểm hiện tại và dự báo thời gian tới, lượng phương tiện chở hàng hóa nông sản, nhất là mặt hàng trái cây như thanh long, vải, dưa hấu, xoài... xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai là rất lớn.
Nguyên do, hiện nay hoa quả của nước ta đang vào mùa thu hoạch, số lượng xe chở hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây đến cửa khẩu Tân Thanh, Móng Cái, Lào Cai để xuất sang thị trường Trung Quốc ngày càng tăng. Đồng thời, gần đây Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát đối với mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam (áp dụng phương thức kiểm nghiệm, kiểm định hàng hóa phòng chống dịch Covid-19 cấp độ 1). Do đó, tốc độ thông quan hàng hóa chậm, gây nên hiện tượng ùn ứ phương tiện vận tải tại các cửa khẩu. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ rất cao dẫn đến hỏng hàng, phải đổ bỏ gây thiệt hại cho nhân dân và doanh nghiệp.
Cân nhắc, bố trí thời gian hợp lý đến các cửa khẩu
Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với trên 33.000 ha, hiện đang bước vào mùa thu hoạch chính vụ. Do đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều rất đáng lo ngại. Trong khi sắp tới, các cơ quan quản lý của Việt Nam và các nước có chung đường biên giới sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh và kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Theo ông Trần Văn Khanh - Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương Bình Thuận, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của tỉnh qua các cửa khẩu biên giới được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, Sở Công Thương đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch nuôi trồng, sản xuất nông sản hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
Mặt khác, ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tích cực tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước trong thời gian tới (bằng hình thức trực tuyến) để kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ.
Bà Ngô Minh Uyên Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Bình Thuận cũng cho biết, hiện nay chi cục đã thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu các loại hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây, thanh long, nhất là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nắm bắt tình hình. Qua đó, nên cân nhắc, bố trí thời gian hợp lý đến các cửa khẩu để xuất hàng, không nên tập trung tại cửa khẩu vào cùng thời điểm.
Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu thanh long qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai được thuận lợi, Sở Công thương tỉnh Lào Cai cũng đề nghị UBND các tỉnh quan tâm và xem xét ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho đội ngũ lái xe vận chuyển thanh long xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai…
KiỀu HẰng