Vùng trồng rau ở khu phố Phú Cường (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc). Ảnh: N.Lân |
Chi phí quá “nặng”
“Muốn trồng rau sạch phải trồng trong nhà lưới bao quanh, ngăn chặn côn trùng xâm nhập, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nguồn nước sạch. Mùa mưa, lưới che cản tốc độ rơi của mưa tránh rau bị dập. Mùa khô, nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn bên ngoài nếu không thông gió, phải có hệ thống phun để giảm nhiệt độ nắng nóng. Các hộ trồng rau trong khu phố như tôi đã được tập huấn về cách trồng rau an toàn và có cả giấy chứng nhận, nhưng khó có thể thực hiện. Do chi phí đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun khá cao. Cứ 1 sào rau, tiêu tốn hơn 150 triệu đồng cho chi phí đầu tư ban đầu”, ông Nguyễn Gia Phong, kinh nghiệm 14 năm trồng rau ở khu phố Phú Cường (thị trấn Phú Long – Hàm Thuận Bắc) giải bày.
Một số nông dân khác giải thích thêm, vùng rau của khu phố Phú Cường là một vùng trũng, có độ triền lô nhô. Nước tưới ruộng rau chủ yếu sử dụng từ mạch nước nhỉ, chứa sẵn trong ruộng; với giếng đào thì nhiễm phèn không thể tưới. Bởi vùng trũng khi mùa mưa đến, ruộng rau bị san bằng một màu nước phủ trắng xóa. Để trồng được rau sạch ở vùng này, ngoài việc đầu tư nhà lưới, hệ thống phun “nặng” vốn, thì người trồng rau phải cải thiện vùng đất để tránh tình trạng mùa mưa bị ngập úng. Chi phí cao nên một số nông dân Phú Cường không có vốn để làm.
Không có thị trường
“Nếu trồng rau sạch (rau an toàn), thì giá thành sản phẩm phải cao hơn rau ruộng bởi chi phí đầu tư lớn. Vốn dĩ, giá rau xanh không ổn định, người trồng rau thường rơi vào cảnh được mùa mất giá. Tôi thấy, nhiều nơi trồng rau sạch ra, phải tìm nơi tiêu thụ rất khổ. Nếu không có địa điểm tiêu thụ thích hợp thì trồng rau sạch khi bán ra các chợ cũng như rau thông thường; đôi khi còn được xem là rau lứa 2, lứa 3 bán với giá rẻ vì mẫu mã rau không bắt mắt”. Đó là nhận định của ông Võ Thanh Tuấn, thương lái rau xanh vùng Hàm Thuận Bắc.
Chị Ánh, tiểu thương bán rau hành tại chợ Phú Thủy cho hay: “Trước đây, nhiều hộ trồng rau sạch tại nhà bỏ mối cho sạp hàng của tôi với giá cao hơn so với thương lái, nhưng không thể bán được rau. Người đi chợ cho rằng rau sạch và rau ruộng lẫn lộn, không phân biệt được. Cuối cùng, giá rau sạch và rau ruộng như nhau, người mua thì thích giá rẻ, rau mướt. Trong khi giá rau sạch luôn cao hơn rau ruộng gấp đôi, màu sắc không xanh mướt như rau ruộng, nên không thu hút người đi chợ”.
Cho điểm tựa
Từ thông tin trên cho thấy, khâu sản xuất và tiêu thụ rau sạch, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Người tiêu dùng muốn ăn rau sạch, nhưng sợ mua “nhầm” hàng, người trồng rau sạch thì không có nơi tiêu thụ.
“Là người trồng rau, để đảm bảo nguồn rau an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép với nhóm thuốc hoạt chất sinh học nhằm giảm ngộ độc dư lượng thuốc hóa học và tuân thủ quy trình chăm sóc, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Để có nguồn rau sạch đúng nghĩa, hãy tạo cho chúng tôi “điểm tựa”. “Điểm tựa” về vốn đầu tư nhà lưới, hệ thống phun; “điểm tựa” về thị trường tiêu thụ…”, nhiều nông dân khẳng định.
Trang HIẾU