Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và nắng hạn kéo dài, đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và đời sống mọi mặt của nhân dân tỉnh nhà. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó, trong 6 tháng qua, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định. Các chính sách an sinh xã hội, nhất là thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm thực hiện; đời sống nhân dân ổn định; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Kỳ họp lần này, HĐND tỉnh thảo luận, xem xét và quyết nghị thông qua 17 nghị quyết trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hoạt động của HĐND tỉnh theo nội dung chương trình kỳ họp mà HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua. Như nghị quyết về quy định mức quà tặng của tỉnh đối với các trường hợp được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và các gia đình có nhiều liệt sĩ được tặng thưởng huân chương độc lập trên địa bàn tỉnh; nghị quyết về quy định cụ thể mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh; nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác…
6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu đề ra tăng 7,22%). Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc tỉnh quản lý ước giải ngân là 1.105,1 tỷ đồng, đạt 45,5% kế hoạch phân khai chi tiết; tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước thực hiện 4.946 tỷ đồng, đạt 46% dự toán năm, giảm 30% so với cùng kỳ…
Đại biểu Tôn Thất Muộn (đơn vị thị xã La Gi): Đón làn sóng đầu tư sau dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn hán đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh. Mặc dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, nhưng không thể chủ quan, dự báo hoạt động du lịch và dịch vụ đi kèm có thể bị ảnh hưởng. Cùng với đó, hạn hán những tháng đầu năm tác động khiến nhóm ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản có thể không đạt đến tỷ lệ tăng trưởng như nghị quyết đầu năm đề ra. Đề nghị tỉnh đôn đốc chủ đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có các chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh để đón làn sóng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp sau đại dịch. Bên cạnh, áp dụng và triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao. Việc này phải tập trung chỉ đạo để chủ trương đi vào thực tiễn.
Đại biểu Lê Văn Long (huyện Bắc Bình): Thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Liên quan vấn đề nông nghiệp, đại biểu Lê Văn Long khẳng định, sản xuất nông nghiệp là một thế mạnh của Bình Thuận, đặc biệt là huyện Bắc Bình. Tuy nhiên, thời gian gần đây thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và sức cạnh tranh từ các sản phẩm nông nghiệp. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong tình hình khó khăn, đề nghị tỉnh quan tâm các giải pháp cấp bách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hạn chế tối đa tác động tiêu cực bởi thời tiết. Bên cạnh các giải pháp điều hành chống hạn có hiệu quả thời gian qua, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp, kết nối hạ tầng thủy lợi để sử dụng đảm bảo hiệu quả nguồn nước, kết hợp chỉ đạo bố trí sản xuất hợp lý. Triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cần xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu, chứng nhận chất lượng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Đại biểu Đỗ Văn Chung - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Thay đổi diện mạo khu vực nông thôn
Qua giám sát chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tôi thấy đây là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ. Kết quả, đời sống người dân được nâng lên, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và diện mạo vùng nông thôn được cải thiện đáng kể. Cụ thể hóa chương trình này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách như khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn. Qua giám sát cho thấy đến hết tháng 5/2020, đề án kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn chưa đạt so mục tiêu đã đề ra. Do đó, tôi đề nghị tỉnh quan tâm bố trí vốn để phát triển giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Mục tiêu nhằm nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
K.Hằng - T.Thủy