Theo dõi trên

Hệ lụy của ly hôn đối với con trẻ

21/02/2017, 09:22

BT - Một chị bạn phụ trách mảng “Hôn nhân gia đình” tại một tòa án huyện cho biết: “Chưa bao giờ tình trạng ly hôn lại xảy ra nhiều như bây giờ, đáng báo động là độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa. Bởi thế, nó đã đem lại biết bao hệ lụy đằng sau đó”.

Vấn đề ly hôn không còn là “chuyện của hai người” mà còn gây nên những hậu quả tiêu cực đáng tiếc và ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của con cái.

Xã Tân Bình, thị xã La Gi là một trong những nơi có nhiều cặp vợ trồng trẻ bỏ nhau nhất. Có đôi đăng ký kết hôn nên khi bỏ còn nhờ đến tòa án làm chứng. Nhiều đôi thích là lấy nhau mà chẳng cần làm thủ tục pháp lý. Thế rồi “vui thì ở, buồn thì đường ai nấy đi” (theo cách nói vui của một số người). Vì trẻ người non dạ nên nói hai tiếng chia tay nó cứ nhẹ như bông. Họ đâu có hiểu rằng con cái mình mới là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Thầy Nguyễn Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Bình 1 cho biết: “Có lớp học nơi đây gần 1/2 em học sinh rơi vào tình trạng ba mẹ ly hôn. Điều này đã ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của các em rất nhiều, gây khó khăn cho nhà trường trong việc dạy dỗ các em”.

Qua tìm hiểu, được biết ba mẹ các em còn rất trẻ (có người mới 24, 25 tuổi). Sau khi đường ai nấy đi, họ thường để con lại cho ông bà nội ngoại nuôi giùm và bỏ đi làm ăn biệt xứ. Không ít cha mẹ cũng đành đoạn chấm dứt luôn trách nhiệm của mình với con cái, hoàn toàn phó mặc cho ông bà nuôi dưỡng. Những gia đình này lại rất khó khăn nên cái ăn, cái mặc ông bà còn lo chưa nổi nói gì đến việc đóng các khoản tiền, rồi tiền sách bút, quần áo… Thương các em, nhà trường phải vận động mạnh thường quân giúp đỡ thêm.

Nhưng dù thế vẫn đỡ vất vả hơn những em được ba mẹ dắt đi theo, đang học dở cũng bỏ ngang mà chẳng cần xin phép ai nhưng chỉ vài tháng họ lại đưa con về vào trường xin cho con học lại. Một năm có khi tới vài ba lần như thế. Cô Lý - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Bình cho biết: “Không nhận vào học thì thấy thương và tội các em thất học, nhận vào rồi lại tội thầy cô giáo phải bỏ công sức ra kèm cặp kiến thức trong thời gian các em bỏ đi mấy tháng trời”. Dù thầy cô có cố gắng, các em vẫn học đuối hơn so với bạn bè. Cũng có ít trường hợp, mẹ dắt con đi vài năm sau mới trở lại xin con vào học, có bé đã quá tuổi vào học đành nghỉ học luôn.

Một số học sinh ở độ tuổi cấp 2 trong những gia đình có ba mẹ bỏ nhau chúng lại có phản ứng mạnh hơn, có em mang tâm trạng u uất, mặc cảm, tự ti. Các em chán nản và suy sụp tinh thần rất nhanh, đôi khi tỏ ra bướng bỉnh một cách khác thường, có em đã tự ý bỏ học luôn, sống đua đòi và dính vào một số tệ nạn như nghiện hút, trộm cắp…

Hậu quả của ly hôn mang lại sự tổn thương quá lớn về mặt tâm lý cho những đứa trẻ. Bởi thế, trước khi đi đến quyết định “đường ai nấy đi”, các bậc cha mẹ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng xem cách nào có thể làm cho trẻ đỡ tổn thương, đỡ mất mát nhất, vì chúng là những người mà ta yêu thương nhất.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
Đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2013. Bình Thuận là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng vị thế của Bình Thuận trong khu vực và cả nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ lụy của ly hôn đối với con trẻ