Theo dõi trên

Hiện đại hóa đội tàu, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ

14/03/2024, 05:15

Trong điều kiện nguồn lợi ven bờ, vùng lộng ngày càng suy giảm, định hướng chính cho ngành đánh bắt thủy sản là phát triển đội tàu có công suất lớn, hiện đại để có thể vươn khơi xa… Do đó, những năm qua, ngành khai thác thủy sản của Bình Thuận đã có bước phát triển ổn định, được cơ cấu và chuyển dịch theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững, là ngành có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Bình Thuận là một trong những tỉnh nghề cá trọng điểm của cả nước, với đội tàu cá trên 7.800 chiếc với hàng chục ngàn ngư dân hoạt động khai thác và dịch vụ thủy sản trên biển. Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt, bởi số tàu thuyền khai thác vùng ven bờ và vùng lộng rất lớn. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã có lộ trình hướng dẫn ngư dân thay đổi ngư trường đánh bắt bằng cách hiện đại hóa máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng lực tàu thuyền, có thể vươn khơi xa hơn.

da-so-tau-ca-o-la-gi-duoc-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-anh-nl-2-.jpg
Đội tàu công suất lớn của tỉnh (ảnh: N. Lân)

Là một trong những ngư dân kỳ cựu ở phường Hưng Long – TP. Phan Thiết, có mấy chục năm kinh nghiệm trong nghề biển, nên ông Nguyễn Gạt hiểu rõ phải thay đổi cách đánh bắt truyền thống, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, vừa tiết kiệm nhân lực và vật lực, từ đó các chuyến biển dài ngày mới mong thu về đầy ắp cá tôm. Năm 2022, là một trong ít ngư dân trong tỉnh mạnh dạn đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đây là mô hình rất cần thiết cho đội tàu đánh bắt xa bờ vì thời gian cho mỗi chuyến ra khơi kéo dài 2 – 3 tháng, nên nhu cầu nước ngọt trên tàu rất lớn. Ông Gạt chia sẻ: “2 chiếc tàu của gia đình chuyên câu khơi, mành chà nên mỗi chuyến biển kéo dài gần 2 tháng và phải chở theo hơn 100 can nước ngọt (mỗi can 30 lít) với chi phí bình quân 1 triệu đồng/chuyến/tàu. Từ ngày áp dụng mô hình gắn máy lọc nước biển thành nước ngọt, với công suất lọc 100 lít/1 giờ, giúp chúng tôi giải quyết vấn đề nước ngọt sinh hoạt trên tàu, tiết kiệm thời gian lấy nước ngọt cho mỗi chuyến ra khơi, tiết kiệm nhiên liệu khi phải chở theo một lượng lớn nước ngọt từ đất liền; đồng thời đảm bảo nguồn nước an toàn cho ngư dân ăn uống, sinh hoạt. Do được hỗ trợ 50% chi phí, chúng tôi chỉ trả 40 triệu đồng/máy/tàu. Mô hình thật sự hiệu quả cho những đội tàu đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí sau mỗi chuyến biển trong thời buổi giá xăng dầu tăng cao và đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn”.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-13-.jpg
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác. (ảnh: N. Lân)

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào khai thác hải sản không chỉ giúp ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong từng chuyến biển, mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nghề cá, phát triển nghề cá theo hướng bền vững. Thời gian gần đây, thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhiều ngư dân đã biết đến ứng dụng công nghệ đèn Led trong khai thác hải sản. Ngư dân Lê Văn Xuân – phường Đức Long – TP. Phan Thiết là một trong những ngư dân đã áp dụng mô hình này từ giữa năm 2023. Sau nhiều chuyến biển, tàu của ông Xuân khai thác khá hiệu quả. Ông Xuân cho biết: “Qua thực hiện mô hình, mỗi tàu sẽ tiết kiệm khoảng 50% nhiên liệu so với lắp bóng đèn cao áp, đèn siêu như trước đây. Lượng dầu diesel để chong 40 bóng đèn Led cho mỗi chuyến đi (7 – 10 ngày) chỉ còn khoảng 150 lít. Ngoài ra, sử dụng đèn Led khi chong đèn, cá đứng đèn mạnh hơn, thu hút cá nhiều hơn so với bóng cao áp. Mô hình này đã giúp chúng tôi giảm được chi phí nhiên liệu, từ đó giảm chi phí cho mỗi chuyến biển”.

Hiện nay, đa phần các chủ tàu trong tỉnh đã thực hiện đầu tư hiện đại hóa đội tàu khai thác theo hướng đồng bộ; trong đó, 100% tàu cá xa bờ trang bị đầy đủ thiết bị điện tử hàng hải, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá theo quy định; 100% tàu cá xa bờ và tàu dịch vụ thu mua có trang bị hầm bảo quản sản phẩm đạt chuẩn nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản xuống dưới 10% vào năm 2020.

cang-ca-la-gi-anh-ngoc-lan-7-.jpg
Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm khá ổn định (ảnh: N. Lân)

Giảm tàu thuyền công suất nhỏ

Hơn 5 năm trở lại đây, đội tàu cá của tỉnh đã có bước tiến đáng kể, ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền lớn với trang thiết bị khá đồng bộ. Số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tăng nhanh cả về số lượng, năng lực và công suất. Năm 2017 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là 1.718 chiếc thì đến cuối năm 2023 là 1.957 chiếc, tăng 239 chiếc so với năm 2017 (có 41 tàu cá có chiều dài từ trên 24m, 18 tàu cá vỏ thép, 8 tàu cá vỏ composite). Sự phát triển của nhóm tàu công suất lớn phản ánh chuyển dịch đúng hướng về cơ cấu lực lượng khai thác hải sản của tỉnh những năm qua. Số tàu cá công suất lớn được đầu tư trang bị khá hiện đại như: máy lọc nước biển, máy dò ngang, hệ thống tời thủy lực, ngư cụ… cùng với phương pháp đánh bắt ngày càng được cải tiến phù hợp với ngư trường, đối tượng, mùa vụ. Bên cạnh đó, nhiều tàu cá đã mạnh dạn cải tiến hệ thống khoang, hầm đông, công cụ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhờ đó, sản lượng thủy sản khai thác năm 2023 đạt 234.661 tấn, tăng 2,67% so với năm 2017.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-o-phu-quy-anh-n.-lan-15-.jpg
Ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền lớn với trang thiết bị khá đồng bộ. Ảnh: N.Lân

Bên cạnh phát triển tàu thuyền công suất lớn, việc giảm số lượng tàu thuyền nhỏ và hạn chế nghề khai thác ảnh hưởng nguồn lợi luôn được ngành thủy sản quan tâm. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện quyết liệt, không phát triển tàu thuyền nhỏ khai thác vùng bờ; không cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá hành nghề lưới kéo và không cấp giấy phép khai thác thủy sản mới cho nghề lưới kéo dưới mọi hình thức. Năm 2017 số tàu hoạt động nghề lưới kéo (giã cào) là 1.133 chiếc, đến nay chỉ còn 731 chiếc, giảm 402 chiếc. Giai đoạn năm 2020 - 2025, thực hiện cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị khai thác, trong đó khai thác vùng biển khơi chiếm 60%, tỉnh còn triển khai các giải pháp phát triển tốt hình thức liên kết trên biển, hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần mạnh mẽ trên biển với 145 tàu dịch vụ hậu cần vùng khơi, thu mua trên biển và tiếp tục duy trì 158 tổ đoàn kết/1.530 thành viên. Bên cạnh đó, hình thức quản lý cộng đồng nguồn lợi ven bờ đã được triển khai khá thành công, mở ra hướng quản lý hiệu quả đối với nguồn lợi ven bờ, tạo đồng thuận trong ngư dân.

Có thể nói, ngành khai thác thủy sản trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong đầu tư nâng cao năng lực tàu thuyền, tìm kiếm ngư trường, chuyển từ khai thác vùng lộng ra vùng khơi. Tin rằng, với những chính sách hỗ trợ phát triển nghề cá đang được triển khai thực hiện sâu rộng sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển làm giàu, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Để tiếp tục khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá công suất lớn, đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 67. Điểm đáng chú ý, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 1 lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu cá hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên. Tàu đóng mới thay thế các tàu làm nghề lưới kéo có công suất từ 90 CV trở lên chuyển đổi sang làm các nghề được khuyến khích phát triển như: lưới vây, nghề lưới rê, nghề câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xử lý nghiêm tàu cá “3 không” khai thác hải sản bất hợp pháp
UBND tỉnh vừa có văn bản hỏa tốc về việc quản lý, đăng ký tàu cá phát sinh, tồn đọng chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiện đại hóa đội tàu, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ