Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh ta có hơn 7.800 tàu cá và trên 46.000 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác hải sản với sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt 225-230 ngàn tấn. Ngư trường vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh rộng khoảng 14.000 km². Tuy vậy, tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (gồm cả tàu cá trong và ngoài tỉnh) trên vùng biển của tỉnh còn xảy ra. Nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến có nơi, có lúc phức tạp, gây bức xúc cho ngư dân. Đặc biệt, mặc dù có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa ngăn chặn và chấm dứt triệt để, nổi lên là nhóm tàu cá thường xuyên lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh nguy cơ cao.
Vì thế, thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý thủy sản và lực lượng Biên phòng tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên vùng biển của tỉnh và quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn quan tâm, duy trì thường xuyên, chặt chẽ. Trong đó, công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo gắn với phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không xâm phạm vùng biển nước ngoài được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo niềm tin vững chắc, sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân về đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo.
Với trách nhiệm giữ vai trò chủ lực, trực tiếp về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là phòng ngừa, ngăn chặn tàu cá ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo triển khai về chống khai thác IUU, tổ chức tuyên truyền. Đồng thời phối hợp xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan việc quản lý, kiểm soát điều kiện hành nghề tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, trang bị an toàn tàu cá, chứng chỉ thuyền viên); kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự hoạt động nghề cá trên biển và tại các khu neo đậu, cảng cá, bến cá.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển vận động các chủ thuyền tham gia thành lập tổ, đội sản xuất trên biển. Đến nay, toàn tỉnh hiện đã thành lập, đang duy trì 158 tổ đoàn kết/1.530 tàu với 7.744 lao động. Việc củng cố, phát triển các tổ, đội sản xuất trên biển đã tạo thuận lợi trong việc phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân, giúp ngành chức năng, địa phương nắm chắc tình hình trên biển, có biện pháp kịp thời trong quản lý, xử lý các vấn đề về an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động trên vùng biển xa của Chính phủ. Vì vậy, số lượng tàu cá công suất lớn đăng ký hoạt động tham gia vùng biển xa tiếp tục tăng. Từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện hỗ trợ ngư dân trong tỉnh khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 800 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ nhiên liệu 786 tỷ đồng. Nhờ đó góp phần tạo điều kiện giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất, tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên các vùng biển xa, kết hợp sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.