Theo dõi trên

Hiểu đúng và thực hiện đúng hai từ “dân chủ”

17/11/2024, 17:58

Dân chủ được hiểu là mọi lợi ích về vật chất và tinh thần mà Đảng và Nhà nước ta đem lại phải phục vụ cuộc sống của nhân dân. Dân chủ còn được thể hiện trong quyền hạn của nhân dân, dân là chủ và thực hiện dân chủ là cần thiết, qua đó góp phần thúc đẩy cho sự phát triển… Song không vì lợi dụng hai từ “dân chủ” để áp đặt những mục đích làm phương hại lợi ích quốc gia, tổn hại đến mục tiêu phát triển của đất nước.

ttxvn_dai_bieu_bieu_quyet.jpg

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Theo Người, “dân là chủ, dân làm chủ” nghĩa là “dân là sức mạnh của Nhà nước”, “là sức mạnh của Đảng”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “… làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”… Còn Đảng ta thì xác định, muốn đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” thì chủ thể, lực lượng đóng góp chính là nhân dân; do vậy, phải phát huy sức mạnh của nhân dân và dân chủ phải được coi là một trong những thành tố quan trọng hàng đầu. Dân chủ là động lực thúc đẩy sự giàu có của người dân, sự phồn thịnh của quốc gia. Nó tạo ra một môi trường chính trị và kinh tế ổn định, khuyến khích sự đổi mới và đầu tư, đồng thời giảm thiểu bất bình đẳng và tăng cường sự tham gia của người dân vào đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện dân chủ tức là sử dụng tất cả quyền hành và lực lượng to lớn của nhân dân để hoàn thành các nhiệm vụ vì lợi ích của nhân dân. Nhờ có dân chủ hóa mà Đảng ta đã tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Cũng do xác định được vai trò của dân chủ trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” mà nhân dân ta đã đồng lòng hưởng ứng và tham gia ngày càng tích cực vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, mà trước hết là tham gia tích cực vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ đầu tiên trong đổi mới tư duy của Đảng là đột phá trong đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển sang nền sản xuất hàng hóa; kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; thực hiện cả nước là một thị trường thống nhất, thừa nhận nhiều thành phần kinh tế... Chính quá trình dân chủ hóa đã tạo nên động lực to lớn, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy các tiềm năng, nội lực của đất nước, vực dậy nền kinh tế đang suy yếu trong khủng hoảng. Nhân dân được tham gia vào phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất trên cả ba phương diện: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.

dd.jpg

2. Ở nước ta, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Nhưng hiện nay những thế lực thù địch cố tình phủ nhận thành tựu, kết quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được, chúng xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, ra sức chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”. Chúng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, không ngừng đẩy mạnh với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt và nguy hiểm để chống phá Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ” đối với Việt Nam; kích động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự, gây bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội và an ninh, trật tự ở Việt Nam; hậu thuẫn, thúc đẩy hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Có thể nhìn nhận rõ, các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay gồm: lực lượng cực hữu, một số nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây, các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc, lợi dụng, núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam. Tham dự vào lực lượng này còn có những người theo các trào lưu tư tưởng và đường lối chính trị trái ngược với giá trị của chủ nghĩa xã hội tại các nước phương Tây; những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt Nam… nên cụm từ “dân chủ, nhân quyền” phải được nhìn nhận cho đúng nghĩa đâu là “xây dựng” và đâu là “phá hoại”.

z6042096104981_e9f84bf207cbef6f66d148cb3a636074(1).jpg

3. Ở phạm vi hẹp hơn là trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong thực tế, ở đó vẫn còn tồn tại một số cá nhân thường lợi dụng 2 từ “dân chủ” để “phán” những vấn đề theo suy nghĩ và lợi ích của riêng mình, họ có cái “Tôi” quá lớn, họ tự cho là mình “luôn luôn đúng”, luôn là “lẽ phải, là công tâm”, họ đòi hỏi “dân chủ” một cách thái quá… song họ hoàn toàn không suy nghĩ cho những người chịu trách nhiệm cuối cùng. Bởi trong thực tế hiện nay, việc quy định trách nhiệm cho người đứng đầu là quá lớn, họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ những gì mà cơ quan, đơn vị, địa phương họ được phân công quản lý. Điều đó bắt buộc họ phải có tư duy, tầm nhìn, chính kiến cùng với sự quyết đoán của riêng mình. Vấn đề còn lại là những quyết định đó là vì “cái chung” hay “cái riêng”. Cũng không thể phủ nhận, đâu đó vẫn có những cán bộ “được đặt nhầm ghế”, họ chỉ biết “cái ghế” đang ngồi mà không biết phải “làm gì” trên ghế đó, dẫn đến thuộc cấp thiếu tôn trọng, từ đó nảy sinh những mâu thuẫn trong quá trình lãnh đạo điều hành. Điều này các cấp lãnh đạo trực tiếp có thể nhìn thấy, có thể không và cũng có thể “ngó lơ”. Tuy nhiên không vì vậy mà những hành vi lợi dụng “tự do, dân chủ” được phép tồn tại một cách phi lý trong các quyết định của lãnh đạo nếu quyết định đó hướng tới mục tiêu phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương. Không thể phủ nhận thực hiện dân chủ là cần thiết, đó là sự thúc đẩy sự phát triển cho từng tổ chức, từng cá nhân và cao hơn là sự phát triển của đất nước. Song không vì hai chữ “dân chủ” mà đòi hỏi mọi người phải “tuân theo” ý chí của cá nhân mình, điều đó hoàn toàn không hợp lý. Trong trái tim, khối óc của đa số lãnh đạo, nhà quản lý, mục tiêu cao nhất của họ đó là sự ổn định, sự công bằng và phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương mà họ được giao trách nhiệm quản lý, điều hành. Do vậy những cán bộ thuộc quyền cần suy nghĩ sâu hơn, nhìn nhận rộng hơn và đánh giá khách quan hơn đối với những quyết định quan trọng của lãnh đạo khi họ quyết “ngược ý” mình. Để từ đó thấy được sự cần thiết, sự đúng đắn để tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm, như vậy cụm từ “dân chủ tập trung” và “tập trung dân chủ” sẽ được thực hiện đúng với ý nghĩa của nó.

HUY TOÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổng Bí thư Tô Lâm dự kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau
Đúng 20 giờ 10 phút ngày 16/11, Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc với chủ đề “Tình sâu nghĩa nặng” chính thức diễn ra tại 3 điểm cầu Cà Mau - Thanh Hóa - Hải Phòng bằng hình thức cầu truyền hình trực tiếp, đồng thời, tiếp sóng trên Đài Truyền hình các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Nổi bật
Hiểu đúng và thực hiện đúng hai từ “dân chủ”
Dân chủ được hiểu là mọi lợi ích về vật chất và tinh thần mà Đảng và Nhà nước ta đem lại phải phục vụ cuộc sống của nhân dân. Dân chủ còn được thể hiện trong quyền hạn của nhân dân, dân là chủ và thực hiện dân chủ là cần thiết, qua đó góp phần thúc đẩy cho sự phát triển… Song không vì lợi dụng hai từ “dân chủ” để áp đặt những mục đích làm phương hại lợi ích quốc gia, tổn hại đến mục tiêu phát triển của đất nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểu đúng và thực hiện đúng hai từ “dân chủ”