Theo dõi trên

Hiểu đúng về Luật An ninh mạng

15/06/2018, 16:39

BTO- Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng ngày 12/6 với tỷ lệ tán thành là 86,86% (423/466 đại biểu). Luật này gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực  từ 1/1/2019.

 Theo một số chuyên gia, hiện tình hình an ninh mạng phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề mang tính toàn cầu. Thời gian qua, một loạt sự kiện liên quan tới hoạt động của Facebook, Google đã tác động đến kinh tế, chính trị của một số quốc gia như Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu… Tại Việt Nam, mỗi năm, hệ thống thông tin nước ta phải hứng chịu hàng chục nghìn cuộc tấn công. Thông tin bịa đặt, thật giả lẫn lộn, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm, kích động bạo lực... phổ biến trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội. Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” của tội phạm và vi phạm pháp luật; tội phạm mạng, đặc biệt là tội phạm có tổ chức diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán hàng giả, hàng cấm...

Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý Vì vậy, việc đặt ra vấn đề tăng cường quản lý an ninh mạng là cần thiết. Nếu không có luật này thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm phạm tới an ninh quốc gia, nói xấu Đảng, Nhà nước, cá nhân lãnh đạo. Thậm chí nội bộ của từng quốc gia cũng bị can thiệp. Chính vì thế việc thông qua Luật An ninh mạng là việc làm rất kịp thời.

Tuy nhiên, trước đó và sau khi Quốc hội  “bấm nút” thông qua Luật An ninh mạng còn có những ý kiến trái chiều, thậm chí kêu gọi việc hoãn thi hành hoặc sửa đổi một số điều của Luật An ninh mạng. Do vậy chúng ta cần hiểu đúng về Luật An ninh mạng để có sự ứng xử phù hợp, tránh xảy ra một số sự cố đáng tiếc như thời gian qua. Sau đây là một số vấn đề cần trao đổi:

- Một số ý kiến cho rằng: “Chỉ có Việt Nam mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước, rồi cấm Facebook, Google”. Thực ra không phải vậy, Luật chỉ yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Trên thế giới đã có hơn 18 quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp, Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil...đã quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Mới đây có thêm Ấn Độ cũng quy định như vậy.

- Một số ý kiến rêu rao rằng Luật An ninh mạng yêu cầu: “Cung cấp toàn bộ thông tin người dùng cho nhà nước, kể cả tin nhắn cá nhân, riêng tư…”. Thực ra Luật chỉ xác định: Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Nghĩa là khi cần cung cấp thông tin thì người đó phải là người phạm pháp và phải có văn bản của Bộ Công an. Nếu không làm gì sai thì không phải lo lắng vì vấn đề này !.

- Một số ý kiến cho rằng: “Các công ty sẽ không cung cấp cho Việt Nam vì luật này vi phạm nhân quyền, không có quốc gia nào có luật này”. Thực ra trên thế giới hiện nay có rất nhiều quốc gia đã có luật an ninh mạng rất gắt gao như Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc… Tại Đức, Bộ tư pháp ra chỉ thị rõ ràng cho Facebook nếu quản lý không tốt, để người dân kích động bạo lực, chưởi bới trên mạng, xuyên tạc sẽ bị phạt nặng từ cả facebook lẫn người dùng.

- Tại Điều 8 của Luật quy định chi tiết 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể người dùng bị cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi như tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biết chủng tộc… Chính vì thế các thế lực thù dịch rất lo sợ và tìm mọi cách để chống phá.

Trước tình hình trên, rút kinh nghiệm từ những vụ phá hoại gây rối an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh trong tuần qua do các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động thông qua mạng xã hội, chúng ta cần phải tăng cường công tác nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sai trái trong việc sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc chống phá chế độ, kích động bạo lực… Phát huy vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em mình, không để bọn xấu lợi dụng, lôi kéo, xúi giục tham gia, tụ tập đông người, đốt phá, gây rối… Vận động con em mình thể hiện lòng yêu nước bằng hành động tích cực là “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

T. NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểu đúng về Luật An ninh mạng