Ảnh minh họa. |
Chỉ được đốt pháo hoa
Điểm mới của Nghị định 137/2020 là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, khai trương…”. Dù mới ban hành ít ngày nhưng nghị định trên đã thu hút nhiều sự quan tâm của người dân. Bởi nhiều người nghĩ rằng từ nay các dịp lễ, tết sẽ có thể thoải mái đốt pháo, không lo bị phạt như trước đây nữa?
Tuy nhiên, nghị định trên chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng pháo hoa trong các dịp như đã nêu ở trên, chứ không phải tất cả các loại pháo. Thêm vào đó, để có thể sử dụng pháo hoa, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải đảm bảo 2 điều kiện nhất định. Thứ nhất, phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; thứ 2 chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Theo khoản 2, điều 14 của nghị định, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Cơ sở kinh doanh phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường.
Cẩn thận để không vi phạm
Một điều rất đáng lo ngại là hiện nay người dân đang không hiểu đúng và chưa phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ. Một số loại pháo hoa vẫn được người dân sử dụng hiện nay như các loại que khi đốt phát ra các tia sáng hay nến khi châm lửa sẽ phụt ra các loại tia sáng đủ màu sắc thường được bán kèm trong các tiệm bánh sinh nhật hoặc các loại pháo hoa được sử dụng phát sáng, làm hiệu ứng trong các đám cưới hay hội nghị.
Theo Công an tỉnh thì hiện nay pháo nổ, bao gồm cả pháo hoa nổ vẫn bị cấm sử dụng, trừ các trường hợp được quy định tại nghị định. Mọi trường hợp người dân tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ đều là trái phép, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất sự việc. Đa số những loại pháo hoa theo quan niệm của người dân trước đây (khi đốt có tiếng nổ, bắn lên cao) đều được bán trôi nổi trên thị trường hiện nay đều là pháo hoa nổ, không có nguồn gốc, xuất xứ. Loại này vẫn bị pháp luật nghiêm cấm tự ý sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng.
Việc cho phép người dân được sử dụng pháo hoa vào những dịp quan trọng đã cho thấy sự thay đổi phù hợp hơn với thực tế. Tuy nhiên, để nghị định này được thi hành và đảm bảo hiệu quả trên thực tiễn, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, ban hành các hướng dẫn, quy chế, quy định nhằm quản lý việc sử dụng pháo hoa để đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn xã hội tránh nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
NguyỄn Luân