Nhận định hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, nhất là trong trồng trọt. Để khắc phục chỉ có thể ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạn chế tác hại. Với vai trò “gác cửa” về phòng chống dịch bệnh các loại cây trồng, năm 2015 Chi cục Bảo vệ thực vật đã phát huy tốt vai trò dự báo, dự tính và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đã mang lại hiệu quả rõ nét trong nâng cao năng suất cây lúa và hiệu quả trên từng diện tích canh tác.
Trong năm 2015, Chi cục BVTV đã bố trí 18 bẫy đèn rầy nâu ở khắp các huyện, thị trong tỉnh để dự báo, cảnh báo rầy nâu di trú và tại chỗ. Qua đó tham mưu cho các địa phương chỉ đạo xuống giống theo lịch né rầy, tập trung, đồng loạt cây lúa vào thời điểm tốt nhất ở từng vùng. Thực hiện 64 điểm điều tra lưu động ở các vùng trọng điểm lúa, qua đó ban hành 61 thông báo tình hình sâu bệnh hại và các biện pháp phòng trừ, để bà con nông dân kịp thời dập dịch bệnh khi vừa phát sinh. Nhờ đó, các loại sâu bệnh trên cây lúa giảm đáng kể. Diện tích lúa nhiễm bệnh rầy nâu giảm 4.188 ha, không có diện tích nhiễm nặng mất trắng. Bệnh đạo ôn lá xảy ra 11.308 ha, tăng 4.188 ha nhưng không có diện tích nhiễm nặng gây hại cây trồng. Một số đối tượng gây hại khác như bệnh đốm vằn, lem lép hạt, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bọ trĩ tuy có xuất hiện nhưng phòng trừ kịp thời nên tỷ lệ hại thấp, không đáng kể. Ngoài ra khi dịch bệnh bùng phát, Chi cục BVTV kịp thời điều tra, khống chế không để phát sinh lây lan diện rộng. Đơn cử do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, trong tháng 1 ở Đức Linh bùng phát dịch rầy nâu gây hại cây lúa với mật số cao từ 10 – 15 con/tép (5.000 – 7.500 con/m2), chi cục kịp thời hướng dẫn khống chế và cung cấp thuốc bảo vệ thực vật (1.206 kg Aperlaur) hỗ trợ nông dân chống dịch cho 1.206 ha; nhờ đó cây lúa phục hồi và quan trọng hơn không để lây lan diện rộng ở các vùng lúa trong tỉnh.
Trước chi phí đầu vào của cây lúa ngày càng ở mức cao, giá cả đầu ra thiếu ổn định, nắng nóng tiếp tục kéo dài gây thiếu nước cục bộ nên việc chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa một cách bền vững là vấn đề cực kỳ quan trọng để tăng hiệu quả sản xuất cây lúa. Để phòng trừ bền vững là không để phát sinh dịch bệnh gây hại, như kiên quyết bỏ thói quen gieo sạ quá dày (trên 120 kg/ha), không sử dụng giống lúa thịt, chất lượng thấp vào gieo cấy và đặc biệt không bón quá nhiều phân đạm cho cây lúa.
PHƯƠNG ĐẠI