Theo dõi trên

Hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ gặp khó trong tái đàn

23/07/2020, 09:43

BT- Bình Thuận đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân đẩy mạnh việc tái đàn heo trở lại, chăn nuôi theo hướng an toàn, sinh học. Tuy nhiên, việc tăng đàn, tái đàn trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp nhiều trở ngại do khan hiếm heo giống và giá heo giống cao gấp 3 lần so với trước khi bị dịch bệnh. 

                
   Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó vì giá heo cao    và thiếu giống.

Thiếu con giống, giá tăng cao

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) phát sinh trên địa bàn tỉnh từ tháng 6/2019 đã lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Tính đến cuối năm 2019, số heo tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là 41.947 con, tổng trọng lượng 2.627.455 kg của 2.196 hộ thuộc 47 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết số heo bị tiêu hủy chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ tháng 3/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh heo mắc bệnh, chết do bệnh DTHCP. Dịch bệnh đã được khống chế, tuy nhiên việc tăng đàn, tái đàn của người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại nan giải. 

Đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố, nhưng năm 2019 hơn 30 con heo thịt của gia đình bà Phạm Thị Ngợi, xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết đều bị chết vì DTHCP, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, giá thịt heo hơi đang ở mức cao, thế nhưng bà Ngợi vẫn chưa dám tái đàn, chuồng nuôi trước đây đang được bà tận dụng để nuôi gà.  “Bây giờ heo giống cao quá, chỉ 6-7 kg là 3,2 triệu đồng/con, nguồn con giống lại khan hiếm. Trong khi đó, dịch bệnh lại chưa đảm bảo nên tâm lý chung của người chăn nuôi như tôi không dám tái đàn. Nuôi gà, trước mắt cũng tạm đủ ngày công của mình là chính”, bà Ngợi chia sẻ.

Bà Vạn Thị Hạnh, thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết cũng là một trong những hộ nuôi heo có tiếng ở khu vực. Khi chưa xảy ra dịch bệnh, bao giờ trong chuồng bà Hạnh cũng có ít nhất tầm 60 con. Thế nhưng, đến thời điểm này, bà Hạnh cố gắng lắm mới có được phân nửa số heo so với thời điểm trước. “Trầy trật lắm, tôi mới mua được ít giống ở tận miền Trung nhưng với mức giá cao nhất từ khi nuôi heo đến giờ, khoảng 2,5 – 3,8 triệu đồng/con tùy theo kích cỡ. Tôi cũng muốn nuôi nhiều như lúc trước nhưng thiếu vốn, ngoài ra các chi phí đầu vào cũng tăng mạnh”, bà Hạnh cho biết.

Cùng với Thiện Nghiệp, Tiến Lợi là một trong những xã có nhiều hộ dân chăn nuôi heo trên địa bàn TP. Phan Thiết. Ông Nguyễn Trọng Luân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Lợi xác định tình hình tái đàn, tăng đàn heo tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn sau thời điểm dịch gần như giậm chân tại chỗ. “Mặc dù chúng tôi luôn động viên, tuyên truyền cho các hộ dân đẩy mạnh việc tái đàn heo, thế nhưng cũng chưa biết tái đàn bằng cách nào khi mà con giống thì không có, hoặc nếu có thì với giá rất cao. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ nhiều hộ dân cũng đã chủ động tái đàn với tổng đàn khoảng 2.200 con trên địa bàn xã”, ông Luân nhận định. 

Tăng cường các biện pháp an toàn sinh học

Theo ông Nguyễn Ngọc Vấn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, do ảnh hưởng DTHCP xảy ra từ năm ngoái nên tổng đàn heo giảm, dẫn đến nguồn cung thiếu khiến giá thịt tăng cao. Tổng đàn heo toàn tỉnh hiện nay trên 324.000 con, đạt khoảng 97% so với trước khi xảy ra DTHCP. Thời điểm hiện nay, ngoài yếu tố thiếu giống, giá cao thì các chi phí đầu vào là những yếu tố gây khó cho người chăn nuôi tái đàn.

Ông Vấn cho biết, việc tái đàn không thực hiện một cách ồ ạt mà phải được triển khai đúng lộ trình, hướng dẫn của ngành chuyên môn. Theo đó, các hộ dân, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ tái đàn trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trang trại sản xuất con giống, đa số là những trang trại của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những công ty này lại xuất đi trong hệ thống của họ nằm rải rác ở nhiều tỉnh trong cả nước. Vì vậy, những hộ chăn nuôi nhỏ chủ yếu tự liên hệ với các doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi…hoặc Đồng Nai để mua giống. “Chăn nuôi heo đã trở thành nghề truyền thống của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, qua đợt dịch các hộ nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng nhất. Do vậy, hiện nay chúng tôi khuyến khích các hộ chăn nuôi mua con giống phải chú ý rõ nguồn gốc, phải mua từ những cơ sở có uy tín chứ không mua trôi nổi. Đặc biệt, trong quá trình mua, vận chuyển thì phải có kiểm dịch của các cơ quan chuyên môn. Mặt khác, các nông hộ phải kiểm soát chặt chẽ chuồng nuôi, nhất là việc ra vào của con người. Có như vậy, người dân mới có thể duy trì nghề chăn nuôi heo  ở địa phương”, ông Lê Tất Bật – Trưởngphòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận cho biết thêm.

Đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu phát triển đàn heo 292.500 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 59.000 tấn. Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn heo, tăng đàn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tái đàn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm cân đối đủ nguồn cung - cầu về thịt heo.

    
    Mặc dù chúng tôi luôn   động viên, tuyên truyền cho các hộ dân đẩy mạnh việc tái đàn heo, thế   nhưng cũng chưa biết tái đàn bằng cách nào khi mà con giống thì không   có, hoặc nếu có thì giá rất cao.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ gặp khó trong tái đàn