Theo dõi trên

“Hộ chiếu vắc-xin” – chìa khóa cho du lịch

12/05/2021, 11:06

BT- Đối với Bình Thuận du lịch là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao). Du lịch phát triển đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng du lịch.

                       
Ảnh minh họa.

Thời rực rỡ

Không thể phủ nhận, ngành du lịch tại địa phương có khoảng thời gian hoàng kim nhất, đó là giai đoạn 2017 – 2019. Lượng khách đến tỉnh du lịch tăng trưởng ổn định, ở mức bình quân 11,7%/năm. Cụ thể, năm 2019 đón trên 6,4 triệu lượt khách tăng gần 1,3 triệu lượt khách so với năm 2017. Trong đó, khách quốc tế tăng bình quân 14,4%, khách nội địa tăng bình quân 11,4%. Doanh thu từ du lịch có mức tăng trưởng khá, tăng bình quân 18,6%/năm. Chính vì vậy, năm 2019, GRDP du lịch đạt 9,72%. Niềm vui đó chưa kịp giúp cho du lịch Bình Thuận có những bước tiến mới, thì cơn đại dịch Covid-19 trong nước và thế giới ập đến và diễn biến phức tạp đã tác động rất nghiêm trọng tới ngành du lịch của tỉnh, với sự sụt giảm mạnh về lượng khách lẫn doanh thu. Tổng lượng khách đến trong năm 2020 ước đón khoảng 3,295 triệu lượt khách, giảm 48,57% so cùng kỳ 2019; khách du lịch quốc tế khoảng 171.240 lượt khách, giảm 77,9% so cùng kỳ 2019. Doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 9.400 tỷ đồng, giảm 38,16% so cùng kỳ 2019 (chỉ đạt 52,8% kế hoạch năm). Khách du lịch quốc tế “định kỳ” như Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Anh, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan... gần như không thể trở lại bởi làn sóng dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu. Ngành du lịch cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo của sự khó khăn này.

Tại buổi làm việc mới đây, ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch nhìn nhận: Thời gian qua tỉnh đã phát triển những sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng cao dựa trên thế mạnh về biển và những tài nguyên du lịch khác. Phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao trên cát, golf, du lịch dã ngoại, cắm trại, du lịch văn hóa, tín ngưỡng. Hiện tại, du lịch sinh thái dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch: hồ, thác, khu bảo tồn, vườn trái cây, vườn thanh long… bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, hình thành được tour, tuyến du lịch. Với đặc thù của Bình Thuận, du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn có sức cạnh tranh cao so với các tỉnh, thành ven biển trong nước, đã thu hút mạnh khách nội địa vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần; du lịch thể thao biển, cát… đã thu hút, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách quốc tế khi đến Bình Thuận.

Đặc biệt, khu du lịch Mũi Né đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia, nên trong tương lai, ngành du lịch hứa hẹn sẽ có những thay đổi mạnh mẽ hơn.  

Thay đổi trong khó khăn

Đây là thời điểm khó khăn đối với ngành du lịch, song cũng nên nhìn lại để khai thác hết tài nguyên, tiềm năng và lợi thế. Ông Bùi Thế Nhân nhìn nhận những tồn tại mà ngành du lịch phải thay đổi: Đó là thực trạng việc khai thác, gìn giữ và phát triển các điểm tham quan du lịch loại hình, sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng. Bên cạnh đó, số lượng dự án du lịch chưa triển khai, triển khai cầm chừng vẫn còn nhiều. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng với nhiều công đoạn và thời gian xử lý quá dài, cũng là trở ngại đối với các nhà đầu tư. Một khó khăn khác mà chính các nhà quản lý du lịch thẳng thắn nhìn nhận là vướng mắc về đất đai, chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch khai thác khoáng sản titan chậm được tháo gỡ, thiếu chính sách khuyến khích đầu tư dự án du lịch ở những vùng khó khăn, cũng như thu hút các dự án có quy mô lớn, loại hình mới.

Và hiện nay, với dịch Covid-19, đang có những diễn biến khó lường, một lần nữa đặt kinh tế trước khó khăn hơn và du lịch cũng vậy. Lượng khách đến tỉnh sụt giảm nên nguồn lao động du lịch bị ảnh hưởng theo, doanh nghiệp du lịch cắt giảm lao động, cho nghỉ không lương hoặc tạm đóng cửa dẫn tới tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao. Thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cho thấy, khoảng 75 - 80% cơ sở lưu trú đã hoạt động đón khách trở lại. Tuy nhiên, công suất phòng hiện tại bình quân chỉ đạt từ 20 - 30%. Trong những tháng dịch bùng phát trên một số tỉnh, thành trong cả nước, công suất sử dụng phòng chỉ đạt khoảng 10 - 15%, có thời điểm đạt được khoảng 30 - 40%...

Khó khăn hiện hữu nhưng có thể trong khó khăn, tận dụng thời gian này đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông ven biển, liên thông với các tỉnh, sân bay Phan Thiết, kè chắn sóng, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung; tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, các danh lam thắng cảnh gắn với đầu tư hạ tầng cơ bản để trở thành các điểm du lịch của Bình Thuận. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Chuẩn bị các phương án cho việc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” trong tương lai, đảm bảo an toàn cho du khách trong trường hợp mở cửa đón khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”, có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc của du khách. Với “hộ chiếu vắc-xin”, hy vọng sẽ mang lại một kỳ vọng mới sau những khủng hoảng để lấy lại vị thế du lịch Bình Thuận.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tầm nhìn phát triển các khu du lịch trọng điểm
Du lịch Bình Thuận đã tăng tốc về đích các chỉ tiêu cơ bản của cả năm 2024: Đón 9,68 triệu lượt du khách, đạt 101,36% kế hoạch năm 2024, tăng gần 16% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế có 320.000 lượt (tăng 16,67%) và đạt tổng doanh thu 25.500 tỷ đồng (tăng 14,35%).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hộ chiếu vắc-xin” – chìa khóa cho du lịch