Ngay sau khi ký kết Văn bản liên tịch hợp đồng ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh về “Tổ chức thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai cho các cấp Hội, đồng thời, cụ thể hóa nội dung tổ chức thực hiện tốt các nội dung Văn bản liên tịch, phối hợp chặt chẽ với các Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các cấp chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Trong 5 năm 2016-2020, Hội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện tại 10/10 huyện/thị xã/thành phố, 126/127 xã/phường/thị trấn thực hiện hoạt động ủy thác cho vay với Ngân hàng CSXH và doanh số vốn tăng hàng năm, tổng dư nợ đến 31/05/2020 là 1.100.047 triệu đồng cho 40.018 người vay (tăng 238.760 triệu đồng so với 12/2016), chỉ đạo các cấp hội cơ sở kiện toàn và duy trì hoạt động 926 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 40.018 hộ tham gia; triển khai tốt các chương trình của ngân hàng, nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, chất lượng tín dụng ổn định.
Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội thường xuyên chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông để tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chương trình phối hợp hàng năm với Ngân hàng CSXH. Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH cùng cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; thực hiện tốt các chỉ tiêu theo giao ước thi đua; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trong 05 năm, Hội đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền các chủ trương chính sách về các chính sách tín dụng ưu đãi cho 65% cán bộ, hội viên, phụ nữ dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền qua Đài Phát tranh - Truyền hình cấp tỉnh, qua báo chí địa phương, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã/phường/thị trấn, thông qua sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của Chi/Tổ/CLB, Tổ TK&VV. Thực hiện nhiều tin, bài có nội dung chương trình ủy thác Ngân hàng CSXH trên thông tin phụ nữ phát hành hàng quý. Duy trì có chất lượng công tác giao ban định kỳ giữa Hội và Ngân hàng CSXH cùng cấp để nắm bắt tình hình kết quả thực hiện ủy thác cho vay cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Hàng năm, Hội LHPN các cấp phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác và triển khai các văn bản mới nhằm trang bị thêm những kiến thức về nghiệp vụ ủy thác cho vay và các chính sách tín dụng mới được ban hành giúp cho cán bộ Hội LHPN các cấp nâng cao kỹ năng trong việc quản lý vốn vay ủy thác, từ đó, phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, quản lý vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.
Khẳng định phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là cách làm linh hoạt, phù hợp đã tạo ra cơ chế hoạt động phối hợp vì mục tiêu có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Cách làm đó đã giúp cho kênh vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng; hộ phụ nữ nghèo, các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng; giảm thời gian giao dịch tín dụng, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay. Hình thức tiết kiệm tự nguyện tại tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, thực hiện nghĩa vụ công dân. Nhờ có vốn kịp thời, các hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% năm 2015 xuống còn 1,92% vào cuối năm 2019, mở ra cơ hội cho những phụ nữ nghèo sớm thoát khỏi nghèo, cải thiện đời sống vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tranh thủ các chương trình, dự án lồng ghép các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo qua đó giúp chị em nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng cùng với địa phương giải quyết khó khăn về vốn, giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ. Thông qua hoạt động của tổ vay vốn, các cấp Hội lồng ghép tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các kiến thức về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống tệ nạn xã hội… đến tận hội viên, phụ nữ. Tổ chức Hội cơ sở, nhất là chi Hội, tổ phụ nữ ngày càng được củng cố, nội dung sinh hoạt đa dạng, phong phú hơn, cũng từ thực hiện chương trình đội ngũ cán bộ Hội cơ sở ngày càng nâng cao năng lực tổ chức điều hành, kinh nghiệm quản lý vốn và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn vay.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đồng hành với Ngân hàng CSXH chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm, lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác trong toàn hệ thống Hội nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ nợ quá hạn, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo tỉnh đề ra.
Phương Nguyên