Theo dõi trên

Hoạt động tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế địa phương

04/09/2023, 05:42

Từ sau dịch Covid – 19, đời sống, sản xuất của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó việc huy động các nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên được UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện.

Giải ngân hơn 700 tỷ đồng

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách với hơn 20 chương trình, tập trung vào cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển sản xuất kinh doanh ở các vùng khó khăn, cho vay tạo việc làm và cho vay xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

z4639161623057_9a9fa483fd86cf2505b92a681826c5b8.jpg
NHCSXH cũng cho vay giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo vùng đồng bào DTTS.

Ngoài ra, NHCSXH cũng cho vay giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo, cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19... Đặc biệt, với vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện… Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

dsc-3315.jpg
Lao động nông thôn được tiếp cận vốn vay sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh, tổng nguồn vốn đến ngày 31/7/2023 đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 275 tỷ đồng so với năm 2022. Toàn tỉnh tập trung giải ngân 726 tỷ đồng đến hơn 20.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Doanh số thu nợ đạt 452 tỷ đồng. Tổng dư nợ thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.186 tỷ đồng với 109,5 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tăng 274 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 83,96% kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao.

Có thể thấy thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, thời hạn, lãi suất ưu đãi… đặc biệt là đồng bào dân tộc. Trong 7 tháng đầu năm, vốn tín dụng chính sách góp phần giúp trên 7,1 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho 110 hộ có thu nhập thấp xây dựng nhà ở hoặc mua nhà ở xã hội. Ngoài ra, đã thu hút, tạo việc làm cho trên 2,9 ngàn lao động; giúp trên 4,3 ngàn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên 10.000 công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

dsc_1033.jpg
Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ từ NHCSXH.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động. Đến nay, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 16,7 tỷ đồng, chiếm 0,4%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 12,1 tỷ đồng, chiếm 0,29%; nợ khoanh 4,5 tỷ đồng, chiếm 0,11% tổng dư nợ.

Về nhiệm vụ thời gian đến, NHCSXH tỉnh cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, tranh thủ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ UBND tỉnh giao; tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ và chỉ tiêu tín dụng được Trung ương và địa phương giao. Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo Quyết định số 05 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và địa phương nhằm tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ từ NHCSXH. Đồng thời tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững, thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đoàn kiểm tra, giám sát HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam làm việc tại huyện Hàm Tân
BTO-Sáng 14/7, Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) do bà Hà Thị Nga - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hàm Tân về tình hình hoạt động của Ban đại diện HĐQT huyện từ năm 2022 đến nay.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế địa phương