Mô hình “Hũ gạo tình thương” tại huyện Đức Linh. |
Trong 7 nhóm mô hình phụ nữ trên các lĩnh vực thì nhóm mô hình “Học tập và làm theo Bác” không ngừng nhân rộng và ngày càng được đông đảo cán bộ, phụ nữ trong tỉnh tích cực tham gia. Bởi đây là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ giáo dục tính tiết kiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ đối với cộng đồng mà còn phát huy truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. Với mục đích thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo Bác ngày càng đi vào thực chất bằng những việc làm cụ thể trong hoạt động công tác Hội và trong mỗi việc làm của hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội phụ nữ đã thành lập được 1.353 tổ “Tiết kiệm”/28.395 thành viên, 380 tổ “Hũ gạo tình thương”/ 11.497 thành viên, 235 tổ “Nuôi heo đất”/5.451 thành viên nhằm phát động trong hội viên, phụ nữ tiết kiệm và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Thông qua những mô hình này đã giúp được 7.299 hội viên, phụ nữ thoát nghèo.
Qua thực hiện các mô hình, đến nay các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập 4.386 câu lạc bộ, tổ với 111.302 thành viên thuộc 7 nhóm mô hình. Cụ thể gồm: nhóm mô hình thực hiện “Học tập và làm theo Bác”, “phát triển kinh tế”, “nhóm văn hóa – xã hội”, “xây dựng gia đình hạnh phúc”, “bảo vệ môi trường”, “quốc phòng an ninh”, “xây dựng tổ chức hội vững mạnh”. |
Điển hình thực hiện tốt những mô hình “Học tập và làm theo Bác” có Hội LHPN huyện Hàm Thuận Bắc. Hội đã chỉ đạo 18/18 cơ sở Hội xây dựng và nhân rộng các mô hình làm theo Bác phù hợp với điều kiện của địa bàn. Qua đó, đã tiết kiệm được 953 triệu đồng và 25 tấn gạo giúp hơn 3.000 lượt gia đình hội viên phụ nữ khó khăn, neo đơn. Đồng thời, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 21 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo… Từ đó đã chăm lo tốt hơn đời sống vật chất lẫn tinh thần cho hội viên phụ nữ nghèo, gia đình chính sách đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và những bức xúc của đa số hội viên phụ nữ. Hay như Hội Phụ nữ xã Tân Thắng (Hàm Tân) đã xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương” với phương châm ai có gạo thì ủng hộ gạo, ai có tiền thì ủng hộ tiền tùy theo tấm lòng của mỗi người để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trên địa bàn xã. Sau đó, Hội đã triển khai, phát động nhân rộng mô hình “Hũ gạo tình thương” đến 7/7 thôn trong xã với hình thức sáng tạo hơn. Ngoài ủng hộ gạo, tiền, hội viên phụ nữ và nhân dân còn vận động các mạnh thường quân ủng hộ bằng các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, dầu ăn, bột ngọt… Hàng tháng đến ngày sinh hoạt hội, các thành viên mang theo 1 kg gạo đóng góp vào hũ gạo tình thương của hội phụ nữ xã. Số gạo và các mặt hàng thiết yếu gom được sẽ trao cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, mỗi người 10 kg. Chị Ngô Thị Thúy Diệu – Chủ nhiệm mô hình “Hũ gạo tình thương” xã Tân Thắng cho biết, từ mô hình này, hàng năm 7/7 chi hội đã thu góp được gần 2 tấn gạo, giúp 20 lượt phụ nữ nghèo góp phần giúp chị em khắc phục khó khăn trước mắt, từng bước ổn định cuộc sống. Qua đó, tạo sợi dây gắn kết, tương thân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của chị em phụ nữ dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, từ đó chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã.
Thanh thủy