Những lời nhận xét ấy, đối với từng thầy cô, sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Có thầy cô dạy môn văn kỹ lưỡng sẽ ghi những ý kiến tỉ mỉ, đánh giá chính xác chất lượng bài làm của từng học sinh, sinh viên, kèm theo đó là điểm số. Có thầy cô cho điểm số theo mức độ đạt được của bài làm.
Ảnh minh họa |
Đối với học sinh, sinh viên, những nhận xét kèm theo điểm số thầy cô đã cho có ý nghĩa quan trọng đối với các em. Những nhận xét tích cực, đúng mực, thể hiện sự trân trọng đối với các em, sẽ động viên tinh thần các em rất nhiều. Các em sẽ hăng hái, phấn chấn, có động lực học tiếp những bài học mới trong trạng thái vui tươi hơn. Bằng ngược lại. Các em sẽ rất thất vọng khi những nhận xét ấy thiếu tính động viên, chỉ lạnh lùng theo từng con chữ của bài giải mà các em đã viết, đã giải được.
Một người bạn của tôi từng tâm sự. Trong quãng đời đi học của mình, có hai lời nhận xét của thầy cô bộ môn mà anh không thể nào quên được. Một lời phê của thầy giáo dạy văn năm lớp đệ lục (lớp bảy ngày nay) về một bài làm văn của anh và một lời phê khác của thầy giáo dạy trường sư phạm, đối với một bài kiểm tra ngữ pháp của anh.
Đề bài làm văn lớp đệ lục thầy giáo cho là: “Em hãy kể lại một kỷ niệm mà em nhớ nhất”. Người bạn tôi đã kể về một kỷ niệm của anh: Ba anh có một người bạn, ông rất nghèo, đi bán bánh mì mỗi ngày. Mỗi sáng, sau khi nhận bánh mì tại lò bánh mì gần nhà anh xong, ông ghé lại chỗ ba anh, uống một ly trà; xong, ông vác cái túi vải, bên trong là những ổ bánh mì nóng, chỉ là bánh mì không thôi, không có chả hay xíu mại gì, đi bán khắp các ngả đường. Ông quý ba anh em anh, một phần từ ba anh, một phần vì ông chỉ có con gái, ông không có người con trai nào. Một thời gian sau, ông mất. Tết năm ấy, anh cảm thấy trống vắng rất nhiều khi không còn được gặp ông.
Anh kể lại điều ấy ở bài làm văn của mình. Và thật bất ngờ, thầy giáo dạy văn đã ghi vào ô lời phê của thầy: “Một kỷ niệm ấu thơ độc đáo!”.
Lời phê ấy không hoa mỹ gì, ngắn thôi, nhưng nó đã tác động mạnh vào anh, kích thích anh tiếp tục chăm lo học tập.
...Lời nhận xét của thầy cô đối với mỗi bài làm của học sinh, sinh viên, có thể được ghi trên giấy hoặc nhận xét trên lớp, không thể yêu cầu quá tỉ mỉ, quá cầu toàn. Bởi thầy cô bộ môn còn nhiều việc phải làm. Và chấm bài kiểm tra, bài làm của học sinh, sinh viên chỉ là một công đoạn, một khâu trong cả một quá trình lao động của thầy cô. Song, sự cân nhắc, cho nhận xét chính xác, ngắn gọn, sẽ nhận được sự tiếp nhận tích cực đối với học sinh, sinh viên của mình, góp phần đưa học sinh, sinh viên đến gần hơn với thầy cô, hiệu quả học tập của học sinh, sinh viên sẽ rõ hơn rất nhiều sau những nhận xét ấy.
Minh Trí