Trước hiện tượng này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 235 ngày 26/10/2021 đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn xã huyện Phú Quý, các trường trung học phổ thông và phổ thông nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông kíp thời thực hiện một số biện pháp phù hợp.
Hiện tượng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Thuốc lá điện tử có phải là thuốc lá theo nghĩa thông thường hay không? Hút thuốc lá điện tử có gây hại cho sức khỏe? Học sinh hút thuốc lá điện tử có vi phạm nội quy hay không?
Các dạng thuốc lá điện tử trên thị trường năm 2015 (Nguồn: Wikipedia). |
Thuốc lá điện tử là gì?
Ngoài tên gọi electronic cigarette (viết tắt là e-cigarette hoặc e-cig), thuốc lá điện tử còn có nhiều tên gọi khác trong tiếng Anh như vape hoặc personal vaporizer… Đây là một sản phẩm không tạo khói khi sử dụng nhưng tạo mùi vị và cảm giác giống như khi hút thuốc lá thông thường. Nguyên lý hoạt động của thuốc lá điện tử là dùng pin đốt nóng dung dịch chứa trong thuốc lá điện tử, tạo thành hơi để người dùng hít vào.
Thuốc lá điện tử thế hệ đầu tiên có hình dáng và kích thước như thuốc điếu thông thường với pin có thể sạc lại bằng bộ sạc USB. Thuốc lá điện tử thế hệ thứ hai có hình dáng và kích thước đa dạng hơn, có loại dùng một lần, có loại sạc lại và có cả xì gà điện tử lẫn tẩu thuốc điện tử. Đến nay, trên thị trường đã có thuốc lá điện tử thế hệ thứ ba và thứ tư với nhiều cải tiến về hình dáng và tính năng.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, phần lớn dung dịch trong thuốc lá điện tử đều chứa nicotin, hương liệu và một vài hóa chất khác. Một số loại thuốc lá điện tử dùng một lần chứa nicotin cô đặc (còn gọi là muối nicotin) trong vỏ điếu thuốc. Hàm lượng nicotin cô đặc này tương đương với lượng nicotin trong từ một đến ba gói thuốc lá điếu thông thường.
Một số nghiên cứu độc lập ghi nhận rằng không phải lúc nào nhà sản xuất cũng cung cấp thông tin khách quan về hàm lượng nicotin trong thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử có phải là thuốc lá?
Những người trả lời khẳng định cho câu hỏi trên giải thích rằng cụm từ thuốc lá điện tử có chứa từ thuốc lá nên thuốc lá điện tử là một loại thuốc lá. Những người phản đối lại viện dẫn con chuột máy tính mặc dù có chứa từ con chuột lại không phải là con chuột theo nghĩa thông thường. Như vậy, việc dựa vào tên gọi chưa thể đem lại câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi trên.
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (năm 2012), thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.
Một số người cho rằng thuốc lá điện tử không có sợi hay lá thuốc lá nên không thể xem là thuốc lá theo luật định. Ngược lại, một số người khác cho rằng thuốc lá điện tử có sử dụng “nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá” nên là một “dạng khác” của thuốc lá. Cuộc tranh luận pháp lý này sẽ được giải quyết triệt để khi có một văn bản dưới luật quy định cách xác định các “dạng khác” của thuốc lá và các “nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói gì?
Hiện nay, thuốc lá điện tử thường được sử dụng để cai nghiện thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo rằng chưa đủ bằng chứng về hiệu quả của thuốc lá điện tử trong cai nghiện thuốc lá. Hơn nữa, những người trẻ tuổi sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ hút thuốc lá nhiều hơn những người khác.
Theo báo cáo ngày 22/1/2020 của WHO, thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề về phổi. Nó đặc biệt có hại cho thanh thiếu niên dưới 25 tuổi (vì não bộ của họ chưa phát triển hoàn toàn) và có thể làm thay đổi sự phát triển của thai nhi ở phụ nữ mang thai.
Học sinh hút thuốc lá điện tử có vi phạm nội quy?
Tùy theo hàm lượng nicotin cao hay thấp trong thành phần, thuốc lá điện tử được xem là một chất kích thích nặng hay nhẹ. Khoản 3, Điều 37 Điều lệ trườngtrung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định học sinh không được “mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ”.
Vì vậy, học sinh trung học không được sử dụng thuốc lá điện tử. Tùy theo mức độ, những học sinh vi phạm sẽ được xem xét xử lý theo Khoản 2, Điều 38 Điều lệ trườngtrung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Các trường phổ thông cần phối hợp với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường để tổ chức tuyên truyền trong học sinh về nhận diện thuốc lá điện tử và tác hại của nó, khuyến cáo học sinh không nên sử dụng thuốc lá điện tử, đồng thời bổ sung vào nội quy nhà trường các nội dung có liên quan đến ngăn ngừa và xử lý học sinh sử dụng thuốc lá điện tử.
Công Khanh