Có nhà phải vay mượn tiền mua cho con điện thoại thông minh hoặc máy tính. Có gia đình phải nâng cấp hệ thống mạng internet. Gia đình phải cho con đi học nhờ nhà bạn hàng xóm, cậy nhờ cô dì, chú bác cho mượn phương tiện học tập vài ba tiếng… Vì sự học của con, nhiều bậc phụ huynh cho biết đã phải nỗ lực hết mình.
Học sinh cũng phải gắng sức, phải kiên trì mới có thể đáp ứng tốt việc học. Một số em khi được hỏi đều cho rằng ngồi hoài trên máy tính cũng rất mệt mỏi. Nhiều trường học, bố trí thời khóa biểu học trực tuyến y chang học trực tiếp. Đó là việc học tất cả các môn thậm chí có cả môn thể dục. Trường lại bố trí cho các em học cả ngày. Học sinh phải suốt ngày miệt mài trên máy tính, thậm chí chỉ với chiếc điện thoại bé tý nên mắt mũi luôn kèm nhèm, căng thẳng.
Học chính khóa phải chịu khổ cũng đành, nhưng một số phụ huynh than phiền con còn phải học thêm. Đó là việc một số giáo viên dạy toán, Anh văn vẫn tranh thủ thời gian nghỉ dịch tổ chức dạy thêm trực tuyến.
Chị Lan có con đang học tại một trường trung học cơ sở cho biết: “Mình không muốn đăng ký cho con học thêm trực tuyến vì con đang phải học chính khóa. Thấy con đã ôm máy học suốt ngày cũng thấy xót xa. Nhưng vì một số thầy cô lại chủ động liên lạc, đặt vấn đề chuyện học thêm nên không thể không đăng ký. Tự nhiên đưa phụ huynh vào thế khó, không đồng ý cũng ngại vì giáo viên dạy con mình suốt năm, mà đồng ý thì lại thương con”. Nói rồi chị Lan cho biết, gần như suốt ngày con phải ngồi học trên máy. Lịch học được xếp kín tuần kể cả chủ nhật. Nào là lịch học chính khóa, lịch học thêm toán, Anh văn mỗi môn học tới 3 buổi.
Một số gia đình có kinh tế thì tặc lưỡi, cứ đăng ký cho thầy cô vui lòng còn học hay không lại do mình. Hôm nào khỏe con học, hôm nào mệt mỏi thì thôi. Chị Thủy có con học lớp 8 than phiền: “Lớp học thêm của cô P. dạy toán, học sinh tham gia khá đông. Do ngày thường, đăng ký vào lớp học thêm của cô rất khó nên bây giờ không cho con học trực tuyến thì đi học trực tiếp, cô cũng sẽ không nhận dạy nữa, nên đành cho con theo học luôn”.
Hiện có một số thầy cô giáo đang tổ chức dạy thêm trực tuyến nhưng không thu tiền (học theo kiểu tự nguyện) với mong muốn giúp các em phần nào củng cố được kiến thức. Có thầy cô giáo nói vui, dạy thêm không lấy tiền lúc này cũng là một cách làm từ thiện mùa dịch.
Tổ chức dạy thêm, kêu gọi học sinh tham gia học thêm mùa dịch có thu tiền là việc không nên chút nào. Người viết thật tâm đắc khi nghe một đồng nghiệp nói: “kiếm tiền thì kiếm cả năm, đây là lúc học sinh cần thầy cô nhất, cũng là lúc giáo viên nên chia sẻ gánh nặng vật chất cho gia đình các em bằng việc nên dạy thêm từ thiện mới đúng”.
Huyền Phan