Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/1, họp khẩn về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các nhóm dân quân người Kurd ở Syria. Tuy nhiên, việc không có bất kỳ tuyên bố chung nào lên án hay yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch, mà chỉ nhấn mạnh tình hình nhân đạo xuống cấp ở miền Bắc Syria, đã phần nào cho thấy tính phức tạp của cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ ở Syria, mà còn cả khu vực Trung Đông.
Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre. Ảnh: Getty |
Theo Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre, nước này lo ngại trước leo thang căng thẳng tại Syria, một lập trường mà theo ông đã nhận được sự chia sẻ của tất cả các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, lập trường chính thức đưa ra sau cuộc họp lại đơn giản là một lời kêu gọi kiềm chế và khẳng định ưu tiên lúc này vẫn là tình hình nhân đạo xuống cấp tại miền Bắc Syria, nơi mà không một chuyến hàng cứu trợ nào có thể tiếp cận được với những khu vực như Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus, hay thành phố Idlib ở phía Đông Bắc kể từ tháng 11 năm ngoái.
Có thể thấy, đối với chiến dịch “Nhành Olive” của Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn Afrin, miền Bắc Syria, phương Tây khá thận trọng và dè đặt. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự bối rối của những nước này trước chiến dịch quân sự của một nước đồng minh trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Các quan chức phương Tây đặc biệt lo ngại, chiến dịch đang diễn ra có thể làm suy yếu tiến trình hòa đàm Syria dự kiến được nối lại vào giữa tuần tới tại thành phố Vienna (Áo) và sau đó là tại Sochi (Nga). Trong một diễn biến mới nhất, các quan chức người Kurd ở Syria hôm qua cho biết có thể sẽ không tham dự tiến trình đàm phán.
Theo nhiều nhà phân tích, điều này là dễ hiểu bởi chiến dịch "Nhành Olive" của Thổ Nhĩ Kỳ là khá nhạy cảm vì Mỹ và đồng minh dựa vào dân quân người Kurd, đặc biệt là Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd để đánh bật IS khỏi Syria. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là một nhánh của nhóm khủng bố mang tên đảng Công nhân người Kurd tại nước này.
Trong một tuyên bố ngày 22/1, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag một lần nữa khẳng định tính chính đáng của chiến dịch chống khủng bố của nước này tại Syria.
Ông Bekir Bozdag nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng là cộng đồng quốc tế đứng chung với Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố. Và nếu Mỹ muốn hợp tác, chúng tôi đã sẵn sàng cho sự hợp tác này. Nhưng bước đi đầu tiên mà họ có thể làm là ngăn chặn các nhóm khủng bố và thu hồi vũ khí đã được trao cho Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, với việc phát động một chiến dịch cả trên không và trên bộ ở miền Bắc Syria hôm 20/1 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở thêm một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh, vốn đã gây chia rẽ sâu sắc quốc gia Trung Đông này trong suốt hơn 6 năm qua và cũng là trận chiến đầu tiên sau khi đánh bại IS.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là tại sao Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại chấp nhận rủi ro để khai hỏa, trong bối cảnh những tàn tích của IS vẫn còn âm ỉ? Câu trả lời là bởi nước này muốn bằng mọi giá phải ngăn chặn việc các lực lượng người Kurd thiết lập quyền kiểm soát đối với một khu vực rộng lớn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Cần phải nhắc lại rằng, thị trấn Afrin là một phần của tỉnh Rojava hay còn được gọi là khu vực người Kurd tại Syria. Thị trấn này hiện do các tay súng người Kurd thuộc Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd, một nhánh của nhóm nổi dậy đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Tuy nhiên, PKK không những bị Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Mỹ và Liên minh châu Âu xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Câu chuyện sẽ không trở thành ngòi nổ căng thẳng tại một khu vực, vốn không hề ít những bất ổn như Trung Đông, nếu Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd không được nhận sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ.
Những tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Rex Tinlerson sẽ duy trì sự hỗ trợ quân sự của Mỹ tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đã không nhận được sự hưởng ứng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này coi đây là một sự hỗ trợ mới dành cho các đồng minh của nhóm nổi dậy PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người lo ngại, chiến dịch “Nhành Olive” có thể là ngòi nổi làm bùng cháy trở lại cuộc chạy đua quân sự trong hồ sơ Syria và không chỉ của những nước vốn luôn đối đầu về lập trường, mà cả những nước từng coi là đồng minh của nhau.
Thu Hoài/VOV