“Đất lành chim đậu”, năm 2013 gia đình anh Trình Văn Phở (SN 1963) ở huyện An Phú, tỉnh An Giang đã đến đây lập nghiệp với niềm tin “đất này không xấu, có nước, có sức người chăm sóc thì cây trồng sẽ phát triển được”. Do đó, anh đã mạnh dạn sang nhượng 2 ha đất có kênh dẫn nước Phú Sơn – Ku Kê chảy ngang qua, cách đó khoảng 400m về hướng Tây. Với nghề truyền thống trồng cây ăn quả ở An Giang, anh Phở liền đầu tư trên vùng đất khó này với các loại cây phù hợp, theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, như: trồng 70 cây mít; 600 cây xoài Đài Loan; trồng 700 cây ổi Đài Loan. Anh Phở cho biết: 700 cây ổi đã cho thu hoạch được hơn 3 tháng qua, trung bình mỗi tuần bán hơn 1 tạ trái ổi được hơn 6 triệu đồng; riêng 600 cây xoài Đài Loan sẽ ra hoa kết trái vào đầu tháng 10 tới.
Theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, 3 năm qua anh Phở trồng xen canh các loại cây màu ngắn ngày cũng góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, anh áp dụng có hiệu quả kỹ thuật trồng bí đao, ớt theo phương pháp lên luống trải bạt. Nhờ trải bạt, đất giữ được độ ẩm nên bộ rễ của cây phát triển tốt, đồng thời các loài cỏ dại không mọc được đã góp phần giảm chi phí. Dẫn tôi đi xem 2 sào ớt cao sản xanh ngát đang sai quả, chuẩn bị thu hoạch lứa đầu, anh Phở nói cho chúng tôi biết những kinh nghiệm về sản xuất cây màu bằng biện pháp trải bạt tiết kiệm nước.
Những ngày cuối tháng 3/2016 kênh Phú Sơn – Ku Kê nước vẫn chảy đều, nhưng các cấp chính quyền và ngành chức năng dự báo nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài. Do đó nông dân cần áp dụng thật tốt những biện pháp canh tác tiết kiệm nước tưới bằng trải bạt như của anh Phở là một ví dụ để tránh thiệt hại mùa màng.
NguyỄn ThưỜng