Hội thảo này do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Cùng với đó, là sự tham dự của các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành…
Tại hội thảo, ông Tiêu Hồng Phúc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà đang dần trở thành một nhu cầu thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự phát triển nhanh của trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số tạo ra hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện. Những năm qua, cùng với cả nước, ngành y tế Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh nhiều hoạt động chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng lộ trình triển khai đề án chuyển đổi số tại tỉnh.
Với trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết của các chuyên gia, Bình Thuận hy vọng nhận được nhiều ý kiến sát thực tiễn với các định hướng phát triển mà tỉnh đã và đang thực hiện. Các ý kiến đóng góp có giá trị khoa học, cũng là một trong những cơ sở để Bình Thuận xây dựng, hoàn thiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Chiến – Viện trưởng Viện lãnh đạo học và chính sách công, kết quả nghiên cứu của đoàn nghiên cứu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Bình Thuận trong những ngày qua cho thấy, những khó khăn chung của cả nước cũng là thách thức đặt ra với Bình Thuận.
Hồ sơ sức khỏe điện tử chưa được sử dụng phổ biến dù số người cài đặt khá cao. Kết quả thảo luận tại hội thảo này sẽ góp phần tích cực vào việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách có tính khả thi, thực chứng hơn, hướng đến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, cải thiện dần chất lượng dịch vụ y tế các cấp của Bình Thuận, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói riêng và chuyển đổi số trong quản trị xã hội nói chung.
Theo Sở Y tế tỉnh, ngành Y tế đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 49 thủ tục hành chính, đạt khoảng 30% mỗi năm. Riêng năm 2023 có 112 trong tổng số 310 hồ sơ, đạt tỷ lệ 36,13%. Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc tiếp nhận văn bản đến, phát hành văn bản đi qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, phần mềm quản lý công việc đạt 99%.
Các đơn vị đang triển khai phần mềm liên quan quản lý, khám chữa bệnh, báo cáo thống kê; các phần mềm báo cáo chuyên ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng, khám, chữa bệnh; phần mềm kê đơn thuốc điện tử; hệ thống thông tin kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc. Ngoài ra, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, phần mềm quản lý tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19, phần mềm quản lý xét nghiệm SARS-CoV-2 được ứng dụng triển khai trong toàn tỉnh.
Đến tháng 8 năm 2024, có 10/14 cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện tổ chức phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, chiếm tỷ lệ 71,4%. Từ tháng 6/2024 đến nay, các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị, thành phố khởi tạo, định danh hồ sơ sức khỏe điện tử theo Quyết định 1332/QĐ-BYT ngày 21/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về thí điểm tích hợp sổ sức khỏe điện tử lên VneID.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận khởi tạo, định danh hồ sơ sức khỏe điện tử là 30.342 hồ sơ trên cổng giám định, với tổng số lượt khám chữa bệnh 68.200/79.835. Kết quả thực tế về số liệu hồ sơ sức khỏe điện tử được khởi tạo, định danh cho bệnh nhân nội tỉnh và ngoại tỉnh là 1.386.892 hồ sơ. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 92 % tổng dân số.
Tại hội thảo, các chuyên gia đặt ra nhiều câu hỏi từ thực tiễn như tại sao mức độ sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử chưa được như kỳ vọng; giải pháp nào để tháo gỡ các “điểm nghẽn” thúc đẩy thành công của quá trình chuyển đổi số của ngành y tế nói chung, hồ sơ sức khỏe điện tử nói riêng.