Theo dõi trên

Hơn 20% trường học Phan Thiết chưa có y tế học đường

20/03/2022, 06:18

Năm học 2021-2022 suốt một thời gian dài học sinh trên địa bàn thành phố Phan Thiết phải học trực tuyến do dịch Covid-19 bùng phát, các trường học tạm thời đóng cửa.

Mãi đến ngày 14/2/2022, tất cả học sinh các cấp học mới đến trường. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên việc tổ chức dạy và học trực tiếp phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, y tế học đường có vị trí quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho học sinh, giúp các em có sức khỏe ổn định để học tập và gia đình học sinh giảm bớt được gánh nặng về tài chính khi không may các em bị bệnh. Tuy nhiên, việc khởi động của y tế học đường tại một số trường học vẫn còn bất cập.

hoc-truc-tiep.jpg
Sát khuẩn trước khi vào lớp.

Một thực tế của năm học 2020 - 2021 tại địa bàn thành phố Phan Thiết cho thấy, hoạt động y tế trường học được quan tâm, hầu hết các trường học chủ động tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện, phối hợp tốt với cơ sở y tế ký hợp đồng CSSKBĐ cho học sinh. Công tác giám sát chi phí BHYT chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Qua hệ thống y tế học đường nhiều học sinh bị bệnh tật được phát hiện, chuyển đến bệnh viện chữa trị kịp thời. Trong năm học, toàn thành phố đã có 24.958 lượt học sinh khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú tại các cơ sở y tế, với tổng số tiền được quỹ BHYT chi trả hơn 6,75 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều trường hợp học sinh khám và điều trị bệnh với chi phí lớn, được quỹ BHYT chi trả, như: Trường hợp của em N.M.T, Trường THPT Phan Chu Trinh (u ác tuyến tùng) được chi trả 134,6 triệu đồng; em T.B.N, Trường tiểu học Phú Trinh 1, (bệnh bạch cầu dạng lympho) được chi trả 87,5 triệu đồng; em N.C.T, Trường THCS Lương Thế Vinh (suy chức năng và rối loạn tuyến yên) được quỹ chi trả 75,1 triệu đồng; em T.K.Đ, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (bệnh bạch cầu tủy mạn tính) được chi trả 65,9 triệu đồng; em N.B.K.L, Trường THCS Nguyễn Trãi (bệnh vẹo cột sống) được chi trả 64,3 triệu đồng…Nhờ chính sách BHYT đã giúp cho các gia đình có con, em không may bị ốm đau, bệnh tật điều trị với số tiền lớn giảm bớt một phần gánh nặng về tài chính.

Có thể nói, hiệu quả CSSKBĐ học sinh từ nguồn quỹ BHYT thì ai cũng thấy rõ, song việc tham gia BHYT của nhiều trường, nhiều học sinh vẫn gặp không ít khó khăn. Trong năm học chỉ có 98,74% số học sinh tham gia BHYT. Có 29/44 trường tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 100%; còn lại 15 trường chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Điều đáng nói là y tế trường học - một hoạt động quan trọng không thể thiếu trong công tác CSSKBĐ cho học sinh, hàng năm từ nguồn kinh phí BHYT được trích chuyển, nhiều trường học đã chủ động ký hợp đồng với các cơ sở y tế để CSSKBĐ cho học sinh; thành lập tủ thuốc sơ cứu; khám sức khỏe học sinh; mua sắm bình lọc nước bảo đảm vệ sinh nước uống... Năm học 2020-2021, cơ quan BHXH đã chuyển kinh phí CSSKBĐ cho 23/44 trường, với tổng số tiền 790.800.213 đồng để thực hiện công tác CSSKBĐ. Việc trích chuyển kinh phí từ quỹ BHYT được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Các trường phải hội đủ các điều kiện mới được chuyển kinh phí như: Có ít nhất một cán bộ có đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh, làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác CSSKBĐ; nhà trường phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử lý ban đầu cho học sinh bị tai nạn, thương tích, mắc bệnh thông thường. Song, hiện nay vẫn còn nhiều trường học chưa đủ điều kiện theo quy định; phải ký kết hợp đồng với các cơ sở y tế để thực hiện CSSKBĐ cho học sinh. Vì thế, toàn thành phố Phan Thiết hiện chỉ có 16 trường học bố trí nhân viên y tế học đường; 19 trường ký hợp đồng CSSKBĐ với cơ sở y tế có đủ điều kiện, còn lại 9 trường thiếu hồ sơ đề nghị trích chuyển quỹ. Nguyên nhân vướng mắc là do các trường có nhân viên y tế, nhưng chưa có “chứng chỉ hành nghề”; các cơ sở y tế ký hợp đồng CSSKBĐ với nhà trường chưa đảm bảo đủ nhân viên y tế thường trực tại trường để xử lý kịp thời những rủi ro, tai nạn của học sinh trong thời gian học ở trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số trường học còn thiếu…

Để khắc phục những tồn tại nói trên, trong năm học 2021-2022 phòng Giáo dục – Đào tạo Phan Thiết đã rà soát, đôn đốc các trường học chưa có nhân viên y tế chủ động ký hợp đồng CSSKBĐ với cơ sở khám chữa bệnh có đủ điều kiện; nộp hồ sơ để cơ quan Bảo hiểm xã hội trích chuyển kinh phí và sử dụng nguồn kinh phí trích lại để CSSKBĐ cho học sinh đúng mục đích, có hiệu quả. Mặt khác, các trường rà soát số học sinh chưa tham gia BHYT (hiện Phan Thiết mới đạt 90% số học sinh tham gia BHYT) để tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động…phấn đấu năm học 2021-2022 có 100% số học sinh tham gia BHYT tại trường học.

LÊ THANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để hưởng BHXH
BTO - Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Căn cứ vào đó, cơ quan BHXH làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19.
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 20% trường học Phan Thiết chưa có y tế học đường