Theo dõi trên

“Hồn cát" trong chân dung của Dũng "cụt"

06/10/2022, 05:50

Đang là một chàng trai lành lặn, tai nạn đã lấy đi đôi chân của chàng trai 18 tuổi. Dũng muốn từ giã cõi đời, muốn khép lại cuộc sống quá khó khăn. Nhưng, 6 năm sau Dũng đã là người thợ lành nghề, là giọng hát hay đang từng ngày vun đắp cho ước mơ được truyền nghề cho những bạn kém may mắn như mình…

Tai nạn bất ngờ

Ngồi đối diện là Nguyễn Văn Dũng, phải lâu lắm tôi mới có dịp gặp lại em – chàng thợ vẽ hồn cho cát. Sinh năm 1989, là con thứ 8 trong một gia đình làm nông, không mấy khá giả ở thôn Thắng Hiệp, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc.

unnamed-1.jpg

Cũng vì lý do gia đình không đủ điều kiện, nhìn thấy cha mẹ chạy ăn từng bữa nhưng vẫn thiếu hụt nên Dũng đã dừng việc học, để đi làm phụ giúp gia đình, ai kêu gì làm nấy, bất kể miễn có tiền trang trải phụ cha mẹ. Cật lực làm việc, nhưng cuộc sống cũng không mấy khá giả. Dũng tâm sự: “Gia đình rơi vào tình trạng thiếu hụt nên năm 17 tuổi, như bao người thì chưa thể lao động, nhưng viễn cảnh trước mắt cứ thôi thúc em phải làm. Em đã làm hồ sơ khai 18 tuổi để đủ độ tuổi lao động và xin vào làm cho một công ty xây lắp trên địa bàn tỉnh. Và đó cũng là định mệnh, gắn chặt đời em với cơ thể khiếm khuyết như bây giờ”.

unnamed-2.jpg
Dũng và những tác phẩm được khách hàng đặt vẽ chân dung.

Dũng kể lại, bây giờ cảm giác bị tai nạn vẫn còn, dù không phải là trạng thái đau đớn nhưng đó là phần ký ức không may mắn. Tháng 6/2004, trong buổi chiều gần tan ca Dũng đã bị xe của công trường cán qua đôi chân. Trong tiếng kêu cứu thất thanh, Dũng đã lịm đi. May mắn là Dũng được những người bạn làm chung đưa vào bệnh viện kịp thời. Tỉnh dậy, Dũng thấy mình nằm tại bệnh viện, cơ thể không còn chút sức lực, đau đớn. Kinh khủng hơn khi nhìn thấy, đôi chân đã bị cắt lìa khỏi cơ thể, còn lại 2 mỏm cụt. Dũng khóc. Hết khóc thì mất ngủ. “Lúc đó, em muốn chết, em muốn từ giã cuộc đời, vì sẽ chẳng thể làm gì được nữa. Nhất là nhìn thấy cha mẹ, gia đình” - Dũng bộc bạch.

unnamed-6.jpg

Sau 3 tháng nằm viện, em đã trở về với cuộc sống đời thường, từ một thanh niên khỏe mạnh, giờ là một cơ thể không lành lặn. Dũng mặc cảm với mọi thứ xung quanh, khép mình lại trong cái góc nhỏ, không tiếp xúc với ai, không muốn ra ngoài… Chứng kiến nỗi đau của con, của em, người thân trong gia đình đã động viên, khuyên nhủ và giúp đỡ Dũng những bước đầu tiên cho quen dần mọi hoạt động trong trạng thái khiếm khuyết. Và rồi theo thời gian, Dũng đã bật lên và dần trở thành người hữu ích.

Vực dậy

“Phải mất 6 năm, kể từ khi biến cố tai nạn, em mới dần thích nghi. Những lúc này, chính em lại suy nghĩ trở thành gánh nặng cho gia đình” - Dũng chia sẻ. Dũng quyết định đứng dậy, dù chẳng còn đôi chân trên cơ thể, nhưng bằng ý chí thôi thúc. Dũng tìm đến học nghề vẽ tranh cát nghệ thuật tại cơ sở tranh cát Phi Long, qua sự giới thiệu của Sở LĐTB&XH.

unnamed-4.jpg
Không chỉ khách hàng Việt nam, khách hàng Quốc tế cũng ưa thích những sản phẩm do Dũng tạo ra.

Dũng tâm sự: "Em bán con bò được 3 triệu đồng. Con bò này là tiền mua được dành dụm sau vụ tai nạn người ta đền bù. Với số tiền ít ỏi đó, em xuống học nghề, Em không muốn làm khổ gia đình, từ 3 triệu đồng ấy, dù khó khăn nhiều thứ, dành dụm để thuê trọ, ăn uống xoay xở và lập nghiệp đến tận bây giờ". Dũng nói thêm: “Đây là quyết định đúng nhất của em khi em tìm đến nghề bởi rất phù hợp với sức khỏe, với bản thân em. Đây cũng là nghề mà em nghĩ phù hợp cho những người đồng cảnh ngộ” - Dũng chia sẻ.

unnamed-5.jpg
Những tác phẩm được chắt chiu
unnamed-3.jpg

Sau hơn 1 năm vừa học vừa làm, khi tiếp xúc với cát, Dũng thấy mình được sẻ chia nhiều thứ. Những hạt cát vô tri lại mang đến niềm vui, giúp Dũng trút bỏ gánh nặng mặc cảm. Thế nhưng, tác phẩm đầu tay, cũng chưa được như mong muốn. Khi đó, thầy Phi Long, nhắc nhở: "Cần hoàn thiện thêm những động tác cơ bản, tỉ mỉ hơn trong từng chi tiết. Em bắt đầu lao vào tập luyện, bạn bè nghỉ trưa thì em không ngủ, em luôn về muộn hơn để cố gắng cho ra những tác phẩm. Một thời gian sau, khi tác phẩm “1.000 năm Thăng Long Hà Nội” được giới thiệu, người ta mới bắt đầu biết đến em".

Dũng tự tin vẽ ra tác phẩm, vài chục rồi vài trăm tác phẩm. Khách hàng đón nhận không chỉ trong nước mà còn cả khách quốc tế. Cũng trong năm 2014, Dũng được Tỉnh đoàn Bình Thuận tặng danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi tỉnh Bình Thuận” và Trung ương Đoàn tặng danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2014. Dũng đam mê tranh cát và tập trung nhiều ở thể loại chân dung. Ở mỗi bức vẽ, Dũng đã "buộc" cát nói bằng cảm xúc qua bức tranh, từ sợi tóc, nếp nhăn, nụ cười của nhân vật được Dũng chắt chiu một cách tỉ mỉ.

unnamed-8.jpg
Giải nhì "H 2021át mãi ước mơ"
unnamed-7.jpg
Dũng và vợ

Không dừng lại ở giới hạn của mình là vẽ tranh, Dũng đam mê ca hát và bắt đầu trải nghiệm. Với chất giọng trầm ấm ngọt ngào của mình, hát để vỗ về mình, Dũng tham gia ở nhiều cuộc thi hát và đạt nhiều giải cao như “Giọng ca vàng Phan Thiết”, “Giọng hát hay Win Coffe”, “Tình Khúc Bolero” do tỉnh Bình Thuận tổ chức. Mới đây nhất, Dũng tiếp tục mang về giải nhì trong cuộc thi “Hát mãi ước mơ” do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Luôn cố gắng và trân trọng những khoảnh khắc trong cuộc sống, Dũng nỗ lực hoàn thiện bản thân trong phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.

Dũng chia sẻ: Giờ mong ước lớn nhất của em là vợ con luôn được khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, con trai lớn lên được ăn học đến nơi đến chốn. Sau này là người có ích cho xã hội. Sau nữa, là muốn dạy nghề giúp đỡ cho những bạn khuyết tật cùng cảnh ngộ bằng tất cả những gì em học được. “Em muốn nói với những người bạn cùng cảnh ngộ, đừng bao giờ mặc cảm, hãy tự đứng lên bằng nghị lực sống của mình để vươn ra ngoài xã hội này là được theo đuổi nghệ thuật, đam mê của chính mình như bao người khác và khi đó sẽ tìm thấy một mái ấm yên bình” – Dũng chia sẻ.

QUANG NHÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch
Để phát triển du lịch, ngoài yếu tố tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, thì nguồn nhân lực là một trong các yếu tố không thể thiếu, mang tính chất quyết định đến chất lượng “ngành công nghiệp không khói” này.
Nổi bật
Hàm Tân: Hai danh mục công trình nước sạch được lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư
Ở vùng đất khô hạn Hàm Tân, nước không chỉ cần thiết cho tưới tiêu nông nghiệp mà còn với sinh hoạt đời sống hàng ngày của hàng chục ngàn người dân. Nhiều người dân trong huyện đã nêu kiến nghị về tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại các địa phương vào mùa nắng nóng kéo dài, có nơi phải mua nước sinh hoạt với giá cao.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hồn cát" trong chân dung của Dũng "cụt"