![]() |
Họp lớp nhân kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Ảnh minh họa. |
Từng chứng kiến những cảnh họp lớp của các ông, bà ở độ tuổi sáu, bảy mươi mới thấy hết cái tình họ dành cho nhau. Đó là những tình cảm chân thành mà không dễ gì tìm được. Thật cảm động biết bao khi họ lao vào ôm chầm lấy nhau mà không hề có sự phân biệt về địa vị sang hèn, kinh tế giàu sang, khốn khó. Ai cũng rất chân thật, chia sẻ những niềm vui, những biến cố cuộc đời họ đã và đang gánh chịu. Sau phút giây gặp gỡ, là lời thăm hỏi từng người. Họ mừng vui khi bạn mình sung sướng, hạnh phúc. Họ xót xa, đắng lòng khi ai đó không được may mắn trong cuộc đời. Họ sẵn lòng giúp đỡ bạn mình trong có thể.
Ai cũng vui vẻ góp quỹ, một phần quỹ sau đó chi trả cho bữa ăn thân mật, đơn giản mà đầm ấm. Phần còn lại, giúp đỡ những người bạn đang gặp khó khăn với một tình cảm hết sức trân trọng nên người nhận cũng thấy ấm lòng, không bị mặc cảm.
Khác xa với việc họp lớp của thế hệ ông bà, không ít cuộc họp lớp của nhiều bạn trẻ hôm nay đã không có được những điều kể trên. Có bạn trẻ đến với buổi họp lớp bằng những bộ cánh sành điệu, điện thoại sang, xe đẹp... và trong lúc chuyện trò đôi lúc tỏ ra “vô tình” kể chuyện nhà mình mấy tầng, lương tháng bao nhiêu USD, con cái du học ở đâu... Những điều như thế, vô tình làm đau những người bạn không may mắn. Họ cảm thấy tự ti, mặc cảm, lẻ loi. Một vài người bạn đồng nghiệp của tôi từng tham dự họp lớp thổ lộ: “Lớp họp nhiều lần, nhưng em mới đi một lần và tự nhủ không bao giờ đi nữa. Tới đó, em thấy mình thua thiệt quá!”.
Để việc họp lớp trở nên có ý nghĩa thì những người tổ chức họp lớp cần phải tổ chức sao đó để bạn bè ai cũng thấy vui, thấy ngày (buổi) họp lớp có ý nghĩa. Tránh tình trạng gặp nhau, rồi sau vài ly rượu (bia), cuộc họp trở thành nơi cho ai đó khoe khoang thành tích, địa vị, sự giàu sang… thì cuộc họp lớp nếu có tiếp tục tổ chức ắt hẳn người tham dự cũng sẽ ít dần đi.
Phan Tuyết