Hợp tác những gì?
Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Bình Thuận từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và tạo được sức hút mạnh mẽ đối với khách nội địa lẫn quốc tế. Thực tế cho thấy, điểm đến Bình Thuận đã tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách bằng những bãi biển thơ mộng, cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường tự nhiên trong lành và hệ sinh thái biển đa dạng. Trải qua chặng đường phát triển, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hàng loạt khu nghỉ dưỡng ven biển đạt tiêu chuẩn với chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của tất cả đối tượng khách. Ngoài sở hữu gần 200 km bờ biển và “đảo ngọc” Phú Quý, vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ cũng có tài nguyên du lịch phong phú về đồi cát, rừng núi, di tích lịch sử - văn hóa cùng nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc…
Trong khi đó, Đồng Nai thuộc miền Đông Nam bộ và là tỉnh công nghiệp đang trên đà phát triển năng động với 35 khu công nghiệp được quy hoạch, hiện có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đồng thời được biết đến là thủ phủ vùng trái cây của khu vực này, nổi tiếng với: Chôm chôm, sầu riêng (Long Khánh), bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu), ca cao (Định Quán), xoài (Xuân Lộc)… Nơi đây còn có tiềm năng phát triển du lịch với hệ sinh thái rừng - thác - sông - hồ - núi, trong đó nổi bật là khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận năm 2011. Hay như Vườn Quốc gia Cát Tiên được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, với sông Đồng Nai là một trong những dòng sông đẹp và dài nhất vùng Nam bộ, còn hồ Trị An - một trong những hồ nhân tạo lớn nhất nước được quy hoạch là Khu du lịch quốc gia.
Theo bà Lê Thị Ngọc Loan - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai thì địa phương đang là thị trường lớn về khách của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Bình Thuận. Còn trên địa bàn tỉnh, hiện Đồng Nai tiếp tục triển khai nhiều dự án du lịch quy mô như: Khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan (khoảng 1.600 ha), dự án du lịch Thác Mai - Bàu Nước Sôi, dự án tuyến du lịch sông Đồng Nai. Bên cạnh nhiều tuyến đường cao tốc đã và đang hình thành, dự kiến Sân bay quốc tế Long Thành đưa vào khai thác trong một vài năm tới sẽ tạo cơ hội cho kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói chung và ngành du lịch nói riêng phát triển mạnh mẽ.
Sớm xúc tiến triển khai
Đến dự Hội nghị Xúc tiến du lịch Bình Thuận tại Đồng Nai vừa diễn ra vào cuối tháng 11/2024 vừa qua, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của hai địa phương đều đánh giá cao cơ hội hợp tác phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Bởi Bình Thuận - Đồng Nai có vị trí địa lý liền kề, cùng thuộc khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối ngày càng hiện đại và thuận lợi… Trong hợp tác, sự khác biệt giữa lợi thế và loại hình sản phẩm du lịch (một bên có thế mạnh về du lịch biển - đảo, một bên là du lịch sinh thái - du lịch nông thôn) lại là “điểm nhấn” để bổ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện phát triển sản phẩm tour tuyến đa dạng, hấp dẫn. Cũng như Bình Thuận, được biết trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có xác định du lịch là 1 trong những trụ cột của nền kinh tế với hướng phát triển du lịch chất lượng cao…
Nhân hội nghị này, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan đã có dịp gặp gỡ, trao đổi về triển vọng hợp tác để góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực du lịch rất tiềm năng của hai địa phương. Qua đó xúc tiến phối hợp xây dựng tour tuyến, chương trình liên kết giữa hai tỉnh nhằm sớm đưa vào khai thác, đồng thời có chính sách ưu đãi giảm giá dành cho doanh nghiệp, du khách của Đồng Nai và Bình Thuận… Về phía Đồng Nai, ngay sau Hội nghị Quảng bá du lịch Đồng Nai tại Bình Thuận (tổ chức trong tháng 10/2024 tại TP. Phan Thiết), lãnh đạo ngành du lịch tỉnh này kịp thời chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp cùng Bình Thuận để triển khai thực hiện một số nội dung như đã thống nhất. Tiếp đó, qua Hội nghị Xúc tiến du lịch Bình Thuận tại Đồng Nai cũng hướng đến triển khai các chương trình hợp tác cụ thể, góp phần mang lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch của hai tỉnh.
Để hợp tác phát triển bền vững, ông Bùi Thế Nhân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho rằng trong thời gian đến giữa hai địa phương phải có nhiều chương trình xúc tiến, kết nối bổ trợ cho nhau. Thông qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế và tạo sự đa dạng về loại hình sản phẩm phục vụ du khách cũng như sớm xây dựng ấn phẩm, chương trình quảng bá tour tuyến liên kết, tham gia gian hàng chung của hai tỉnh tại các sự kiện, hội chợ du lịch… Đây cũng là những lợi thế và cơ hội để Bình Thuận - Đồng Nai nói riêng, các tỉnh thành trong khu vực nói chung tăng cường liên kết, hợp tác vùng hướng tới cùng nhau phát triển du lịch.