Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, Bình Thuận hướng đến năm 2025, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 80.000 tấn. Phấn đấu đàn heo ở quy mô từ 315.000 con đến 340.000 con.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn. Phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn gắn với giết mổ, chế biến tập trung, sử dụng chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt để nâng giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Trong đó, đối với chăn nuôi heo, tỉnh sẽ phát triển các giống cao sản theo hướng vùng chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và gắn với giết mổ tại địa phương. Mặt khác, khuyến khích phát triển đàn heo chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Xây dựng và triển khai đề án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm. Song song, xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh. Xử lý triệt để các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kể cả cơ sở dự kiến phát triển mới. Riêng bò thịt, phát triển theo hình thức trang trại, gia trại gắn với phát triển trồng cỏ tập trung. Cùng với đó, đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với các giống bò thịt cao sản. Song song việc đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo, xây dựng mô hình trồng cỏ nuôi bò. Trong đó, tập trung phát triển đàn bò tại các địa phương trọng điểm ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Phấn đấu đàn bò đạt 172.000 con, bảo đảm chất lượng cao.
Cùng với bò và heo, tỉnh cũng xác định chăn nuôi gia cầm theo phương thức trang trại, công nghiệp, cải tạo và phát triển các giống có hiệu quả kinh tế cao. Đặt mục tiêu tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 11.500 tấn, khoảng 91 triệu quả trứng. Ngoài ra, phát triển nuôi chim yến gắn với chế biến theo hướng an toàn sinh học, phù hợp với vùng nuôi chim yến, bảo đảm môi trường. Phát triển một số vật nuôi khác như heo đen, dông… phù hợp lợi thế của địa phương và có thị trường tiêu thụ.
Đề xuất các giải pháp
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để phát triển chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị kinh tế, một trong các giải pháp là hoàn thiện quy hoạch và cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi. Trong đó, xác định rõ vùng phát triển chăn nuôi, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đối với các con nuôi chủ lực như heo, bò thịt, gia cầm, chim yến…
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị các địa phương rà soát, phát triển các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi để nâng cao thu nhập cho người trực tiếp chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn. Cùng với đó, nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi. Chọn các giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với địa phương, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường. Trong đó, cần chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa như heo đen, dông khu Lê. Song song, thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất chăn nuôi và công nghiệp giết mổ, chế biến sản phẩm động vật. Nhất là đẩy mạnh hình thức nuôi với quy mô công nghiệp, trang trại. Từng bước nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ. Đổi mới tổ chức sản xuất, nhất là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn đủ năng lực, khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín...