BT- Mới đây, Hội thảo khoa học về phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái tại Saint Mary Beach Resort, Tiến Thành (Phan Thiết), TS.Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam) cho rằng, sự chuyển động của không khí dưới sự chênh lệch áp suất khí quyển tạo ra gió, đây là nguồn năng lượng vô cùng tận. Tuy nhiên nó cũng đòi hỏi vốn đầu tư khá cao và lệ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều quốc gia như Đức, Trung Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp… đi đầu trong lĩnh vực này. Hiện thế giới đang sử dụng hiệu quả năng lượng gió trên đất liền để phát điện. Theo thống kê, tổng công suất điện gió được lắp đặt trên toàn cầu hơn 600 GW, chiếm 10%; cùng với đó công suất điện gió biển gần 28 GW… “Không chỉ phát điện, các nước tiên tiến trên còn đưa các nhà máy điện gió với những cánh quạt khổng lồ chầm chậm quay ven khu vực bờ biển hoang sơ vào tour du lịch sinh thái thu hút du khách. Điển hình một nhà máy ven biển phía Nam nước Pháp đã có doanh thu từ du lịch cao hơn nguồn lợi phát điện gió mang lại”, TS. Dư Văn Toán chia sẻ.
Điện gió Phú Quý nằm ven biển thơ mộng. |
Đồng quan điểm trên, ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng, Sở Công Thương cho biết, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, tiềm năng phát triển điện gió khu vực ven biển rất lớn, trong đó có Bình Thuận với bờ biển dài gần 200 km. Bởi vậy, trên địa bàn tỉnh thu hút 20 dự án điện gió, tổng công suất 812,5 MW (công suất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, 3 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW/176 MW. Bao gồm dự án Phong Điện 1 - Bình Thuận hoàn thành giai đoạn 1 công suất 30 MW, đang triển khai thủ tục đầu tư giai đoạn 2: 90 MW. Tương tự dự án điện gió Phú Lạc hoàn thành giai đoạn 1 với 24 MW, đang triển khai giai đoạn 2: 26 MW; nhà máy điện gió Phú Quý 6 MW hòa lưới góp phần cung cấp điện sản xuất, sinh hoạt cho người dân huyện đảo mấy năm nay. Sản lượng của 3 nhà máy điện gió 60 MW khoảng 140 triệu kWh/năm… Đồng thời dự án điện gió Thuận Nhiên Phong 32 MW cũng đang triển khai thi công. Nhiều dự án điện gió ở Bình Thuận hướng đến hình thành du lịch giai đoạn tiếp theo, thu hút khách tham quan, tăng nguồn thu.
Kết hợp du lịch sinh thái
Trong khuôn khổ hội thảo khoa học này, ông Bùi Văn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình chia sẻ, doanh nghiệp đang xúc tiến triển khai phát triển điện gió kết hợp du lịch sinh thái. Cụ thể, tại khu vực dự án điện gió Phú Lạc, Tuy Phong (đã vận hành công suất 24 MW) với 400 ha, công ty đang tiếp tục đầu tư điện mặt trời tại đây với công suất khoảng 100 MW. Sau đó, công ty tiếp tục phát triển mô hình trồng rau sạch, trang trại chăn nuôi gia súc theo mô hình du lịch sinh thái để hướng tới tăng thêm nguồn thu trong điều kiện giá mua điện gió hiện nay chưa cao (8,5 UScent/ kWh). Điện gió Phú Lạc được xem là một trong những dự án điện gió hiếm hoi hiện đại được đầu tư ở Việt Nam theo công nghệ Đan Mạch do Công ty Vestas cung cấp thiết bị.
Theo chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tổng công suất điện gió đến năm 2020 đạt 800 MW. Tuy nhiên tổng công suất lắp đặt đến nay 160 MW (gồm điện gió Bạc Liêu; Tuy Phong, Phú Lạc, Phú Quý thuộc Bình Thuận). Theo ông Bùi Văn Thịnh, giá điện gió hiện nay (8,5 UScent/kWh) chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án điện gió để đạt được con số 800 MW vào năm tới. Trước đó, Hiệp hội Điện gió đã đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ nâng giá mua điện gió lên 9,5 UScent /kWh.
Thái Khoa