Theo dõi trên

Keo lá tràm giúp nông dân Thiện Nghiệp giải bài toán thiếu nước sản xuất

01/11/2016, 08:49

BT - Những năm qua, các hộ dân trên địa bàn xã Thiện Nghiệp (tp. Phan Thiết) được khuyến khích trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng để gia tăng giá trị kinh tế. Trong đó, mô hình trồng rừng sản xuất ở những khu đất khó canh tác đang được người dân nhân rộng. Từ chỗ chỉ trồng keo lá tràm ở những khu rừng được Nhà nước giao đất, nay cây trồng này đã dần thay thế các cây trồng truyền thống, giúp nông dân ổn định sản xuất.

         
   

      

      Keo lá tràm được tách    vỏ để chuyên chở về các cơ sở sản xuất giấy.

Năm 1995, ông Nguyễn Văn Bê – thôn Thiện Bình, xã Thiện Nghiệp tham gia chương trình trồng rừng PAM do Nhà nước giao trên diện tích 1 ha. Do khu vực đất canh tác không chủ động được nguồn nước tưới nên ban đầu, ông Bê chỉ canh tác các loại cây trồng ngắn ngày như dưa, đậu, mì… Vài năm sau, phong trào trồng rừng keo lá tràm bắt đầu phát triển ở Thiện Nghiệp, ông Bê cũng mua giống keo con về trồng hết 1 ha diện tích đất canh tác. Đến nay, bên cạnh diện tích đất PAM đang canh tác, ông Bê còn trồng keo lá tràm phủ kín diện tích đất khai hoang gần 5 ha đang có. “Trước khi canh tác cây keo này thì gia đình vẫn bỏ hoang một số diện tích đất, do không đủ sức để làm. Bên cạnh đó nước tưới cũng không đủ đáp ứng. Nhưng từ sau khi đưa cây keo vào sản xuất, do ít tốn nước, công chăm sóc nên hai vợ chồng tôi đã quyết định xuống giống hết diện tích đất rẫy bỏ hoang bấy lâu. Từ đó kinh tế gia đình ổn định hơn trước” – ông Bê chia sẻ.

Nếu như trước đây, cây keo lá tràm chỉ được trồng ở vùng đồi núi hoặc bìa rừng, thì hiện nay loại cây lấy gỗ này được người dân phát triển trên những vườn rẫy canh tác không hiệu quả. Với đặc tính chịu hạn tốt, cây keo có thể thích nghi được với những nơi khô hạn ở Thiện Nghiệp. Theo bà con nông dân nơi đây, keo lá tràm nếu được trồng để bán cho thương lái mua nguyên liệu làm giấy thì có thời gian canh tác từ 4 – 6 năm là có thể xuất bán. Mỗi ha keo sau thu hoạch có giá dao động từ 35 đến 50 triệu đồng, tùy chất lượng cây. Nếu người nông dân không bán keo làm nguyên liệu giấy thì có thể kéo dài thời gian sản xuất cây trên 10 năm để bán gỗ, lúc này giá thu mua thường cao từ 2 đến 3 lần so với giá bán nguyên liệu làm giấy. Ngoài ra, trong năm đầu của cây keo lá tràm, khi cây chưa phát triển tán lá nhiều, người nông dân có thể trồng xen canh một số cây ngắn ngày, lấy ngắn nuôi dài khá hiệu quả. Các hộ nông dân đang canh tác cây keo lá tràm ở xã Thiện Nghiệp cũng cho biết, quá trình canh tác cây trồng này không tốn nhiều công sức, kỹ thuật. Nếu có chủ đích canh tác để bán cây làm nguyên liệu giấy thì người trồng có thể chọn mua cây con giống ghép, có giá khoảng 6.000 đồng/gốc. Quá trình từ lúc bắt đầu trồng đến khi thu hoạch, người nông dân chỉ cần bón phân hữu cơ từ 3 đến 4 lần là có thể đảm bảo dưỡng chất cho cây phát triển. Ngoài ra, trong thời gian cây sinh trưởng, người trồng chỉ cần cắt tỉa cành và theo dõi phòng ngừa sâu bệnh. Ông Trần Minh Quân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết: “Chính nhờ yếu tố kỹ thuật canh tác tương đối đơn giản, giá thành xuất bán ổn định nên diện tích sản xuất cây keo lá tràm không ngừng gia tăng. Tính đến nay, địa phương có khoảng 360 hộ trồng keo lá tràm, với diện tích trên 1.500 ha. Tại những vườn điều canh tác không hiệu quả, người dân cũng bắt đầu phá bỏ để trồng những gốc keo mới”.

Với hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, cây keo lá tràm đã và đang giúp người nông dân Thiện Nghiệp ổn định cuộc sống, thậm chí làm giàu trên những mảnh đất “chết”, khi nước sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Tuy nhiên để giá trị sản xuất cây trồng này ngày một bền vững trên diện tích canh tác đang mở rộng, địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến thị trường tiêu thụ.

Châu Tỉnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Keo lá tràm giúp nông dân Thiện Nghiệp giải bài toán thiếu nước sản xuất