Theo dõi trên

Khá lên nhờ trồng cau thương phẩm xuất khẩu

01/02/2023, 05:23

Ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam có nhiều hộ dân trồng cau thương phẩm để xuất khẩu đã mang lại thu nhập khá, từ đó có cuộc sống ổn định.

hinh-cau-1.jpg
Những vườn cau được người dân mở rộng 

Trong khi nhiều hộ dân trồng thanh long trên địa bàn xã đang đứng ngồi không yên vì giá cả lên xuống thất thường, đầu ra không ổn định, thì anh Nguyễn Đăng Khánh (thôn Văn Kê, xã Tân Thành) lại rất phấn khởi khi mô hình trồng cau thương phẩm để xuất khẩu của gia đình anh lại đang hút hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

hinh-cau-3.jpg
Người dân thu hoạch cau

Anh Khánh cho biết, hiện tại gia đình anh có 2.300 cây cau, trong đó có 300 cây đang ở năm thứ 5 đến năm thứ 10 trong thời kỳ thu hoạch. Những năm gần đây, nhờ thị trường Trung Quốc nhập khẩu, tiêu thụ mạnh cau tươi thương phẩm từ Việt Nam nên vườn cau của gia đình anh được thương lái đến tận vườn thu mua, nhờ đó gia đình có nguồn thu nhập khá.

Trái cau thương phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có hình dáng thon dài, còn non, hạt nhỏ hoặc không có hạt, các cơ sở thu mua sẽ sơ chế bằng cách luộc sôi rồi sấy khô bán cho các thương nhân Trung Quốc làm dược phẩm hay kẹo cau.

hinh-cau-4.jpg
Người dân thu hoạch cau 

“Thông thường cây cau đến năm thứ 5 sẽ cho thu hoạch, tuy nhiên nếu chăm sóc tốt thì sẽ cho ra trái ở năm thứ 4. Trung bình mỗi cây cau cho khoảng 3 - 4 buồng trái, buồng cau nặng từ 8 - 10kg. Hiện nay giá đang dao động từ 30.000 – 70.000 đồng/kg. Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa là thời điểm cây cau vào vụ nghịch thì giá bán rất cao, lên đến 120.000 đồng/kg”, anh Khánh chia sẻ.

Cũng theo anh Khánh, cau ra hoa từ tháng giêng âm lịch và đến tháng 6 âm lịch là bắt đầu thu hoạch. So với nhiều loại cây trồng hoa màu khác, thì cây cau dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, thời gian cho trái lâu, có khi kéo dài trên 50 năm.

Ông Võ Ngọc Thu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết, cây cau có mặt trên vùng đất xã Tân Thành từ trước năm 1976. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân nên cây trồng này đã dần bị chặt bỏ để thay thế một số cây trồng khác, điển hình là cây thanh long. Tuy nhiên những năm gần đây, đầu ra cho trái thanh long gặp nhiều khó khăn, cây cau lại được nông dân trồng nhiều trở lại. Theo đó, cây cau được nông dân xã Tân Thành trồng dọc theo bờ mương, bìa đất, có những hộ xen canh trong vườn thanh long. Hiện toàn xã có khoảng 20 hộ trồng cau với diện tích 10 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Văn Kê, bởi đất ở đây sình lầy, ẩm ướt thích hợp cho cau tạo buồng, đóng trái trĩu trái.

“Do đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, thị trường tiêu thụ bước đầu có tiềm năng nên một số hộ dân tự phát mở rộng diện tích trồng cau phục vụ thị trường xuất khẩu”, ông Thu chia sẻ thêm.

Có thể nói, mô hình trồng cau thương phẩm bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở xã Tân Thành. Tuy nhiên, để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa chính quyền địa phương cần có những định hướng kịp thời cho nông dân. Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về điều kiện thổ nhưỡng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc phát triển loại cây trồng này.        

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thanh long khan hiếm hàng ở chợ Tết 2023
Ngoài hàng dạt thì hàng loại 1, loại 2 không có để bán ở các chợ Tết 2023 do thời tiết xấu và nhiều yếu tố khác có liên quan đến đầu tư cao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khá lên nhờ trồng cau thương phẩm xuất khẩu