Theo dõi trên

Khai mạc APEC: Tổng thống Peru kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ

20/11/2016, 10:14

Ngày 19/11, hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC đã diễn ra tại Peru.

Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski vừa chính thức tuyên bố khai mạc hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Lima hôm qua (19/11) với cam kết sẽ tận dụng những diễn đàn như thế này để chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm nay, Tổng thống Kuczynski đã tiếp đón lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia 21 nước, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

                
      
         APEC 2016 khai mạc tại Peru. (Ảnh: AP)

Diễn ra trong bối cảnh sóng to gió lớn sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, bên lề hội nghị này, Nhật Bản và Peru đã ký tuyên bố chung cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy hiệp định này.

Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh APEC hôm qua, Tổng thống Peru Kuczynski cho biết: “Thế giới đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và tôi nghĩ APEC là một diễn đàn rất tốt để có thể chống lại điều đó. Tôi chắc chắn đây là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị. Tất nhiên, sẽ không chỉ có thương mại và đầu tư mà còn cả việc làm, lao động cũng là những vấn đề rất quan trọng trong các cuộc thảo luận.”

Không chỉ đe dọa TPP, trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump còn tuyên bố sẽ đàm phán lại Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Mexico và Canada, đồng thời áp đặt thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto để ngỏ khả năng “hiện đại hóa” Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ song tái khẳng định cam kết ủng hộ thương mại tự do nói chung, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Ông Nieto nêu rõ: “TPP đang trải qua một giai đoạn bất ổn lớn khi không rõ Mỹ có tham gia đến cùng hay không và cơ chế TPP có thể thành công theo cách nào. Tất cả các nước đã nỗ lực rất lớn để đạt được thỏa thuận này vì chúng ta đều rõ nó có lợi như thế nào.”

Thủ tướng New Zealand John Key tán đồng quan điểm với Tổng thống Mexico cho rằng các thỏa thuận thương mại tự do sẽ vẫn được thúc đẩy bất chấp tình hình ở Mỹ như thế nào.

Ông cho biết, kể cả khi nước Mỹ không muốn tham gia vào thương mại tự do, Tổng thống đắc cử Donald Trump cần phải hiểu rằng những nước khác vẫn sẽ làm được điều đó. Ông khẳng định, New Zealand sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại tự do với các nước vùng Vịnh, với Ấn Độ, Anh, châu Âu và tìm cách tiếp cận tốt hơn với các thị trường trên toàn thế giới.

Ông tin tưởng New Zealand sẽ trở thành nền kinh tế thịnh vượng hơn nhờ thương mại tự do. Bên cạnh đó, Thủ tướng John Key cũng nhắc nhở Tổng thống đắc cử Mỹ rằng, lý do đương kim Tổng thống Barack Obama thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chính là vì chiến lược xoay trục sang châu Á và nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực này.

Ông John Key cho biết: “Có rất nhiều lý do để thúc đẩy TPP và nếu chúng ta đến tận nước Mỹ để hỏi họ ai là người thúc đẩy TPP thì ngoài các đại diện thương mại, sự thật là giới chức quốc phòng Mỹ đã thuyết phục rằng nước này cần phải giữ vai trò lãnh đạo ở khu vực. Khi tới Mỹ dự cuộc họp của Liên hợp quốc mới đây, tôi đã tiếp xúc với các tổ chức nghiên cứu ở đó và nói rằng New Zealand thực sự mong muốn sự hiện diện của Mỹ tại khu vực bởi họ là đối tác và là một người bạn vĩ đại. Chúng tôi cho rằng họ sẽ mang lại điều gì đó cho tất cả các nước ở khu vực này. Nhưng nếu cuối cùng, Mỹ không có mặt ở đó thì Trung Quốc có thể lấp đầy vị trí quan trọng đó.”

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tìm cách thúc đẩy sáng kiến về một khu vực tự do thương mại do nước này dẫn đầu và không bao gồm Mỹ có tên hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tuy nhiên, phía Mỹ chỉ trích rằng hiệp định này có thể không bao gồm những biện pháp bảo vệ người lao động, môi trường và quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, vốn được coi là điểm ưu việt của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Trong một nỗ lực trấn an các đối tác tại diễn đàn này, đương kim Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi các nước không vội vàng phán xét chính sách kinh tế của người kế nhiệm Donald Trump. Ông cho rằng các nước không nên đặt ra những giả thuyết xấu nhất mà hãy đợi cho đến khi chính phủ mới của ông Donald Trump lên nắm quyền. Ông tin tưởng rằng khi thực sự hiểu TPP, chính quyền mới sẽ xác định được điều gì thực sự tốt cho nước Mỹ cũng như các đối tác.

Diệu Hương/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai mạc APEC: Tổng thống Peru kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ