Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, với bờ biển dài trên 3.260 km, vùng biển rộng trên 1.000.000 km2, biển đã đem lại cho đất nước nhiều nguồn lợi lớn từ khai thác khoáng sản, phát triển kinh tế hàng hải, khai thác hải sản, kinh tế đảo, du lịch biển và phát triển các khu kinh tế ven biển. Tỉnh Bình Thuận có ngư trường khai thác thủy sản rộng 52.000 km2, có bờ biển dài 192 km, có đảo Phú Quý ngoài khơi nằm cách thành phố Phan Thiết 120 km và đảo Hòn Hải là điểm để xác định đường cơ sở của vùng biển Việt Nam.
Vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh Bình Thuận không chỉ giàu về nguồn lợi thủy sản mà còn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch biển, dịch vụ cảng biển và kinh tế đảo. Bao đời nay, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của người dân Bình Thuận. Hiện nay, kinh tế biển của tỉnh Bình Thuận đã có bước chuyển biến đáng kể, cơ cấu ngành nghề đang có sự thay đổi lớn. Ngoài các ngành nghề truyền thống nay đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ, kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển, đảo. Trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII đã khẳng định: “khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, chủ động hội nhập, phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch, năng lượng, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Theo đó, tỉnh đã tập trung phát triển mạnh kinh tế biển và là một trong ba ngành kinh tế động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Tỉnh cũng đã tập trung phát triển khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, tổ đội sản xuất trên biển. Nhằm hỗ trợ ngư dân trong việc đánh bắt xa bờ, tỉnh Bình Thuận đã hình thành và phát triển mạnh đội tàu hậu cần hải sản. Đây là mô hình tàu hậu cần phát triển mạnh và tiên phong trong cả nước. Đội tàu này hàng ngày thu mua hải sản và cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết để các đội tàu đánh bắt xa bờ yên tâm bám biển. Bên cạnh đó, việc hình thành các tổ, đội sản xuất trên biển cũng được chú trọng đầu tư và phát triển. Cùng với các Tổ đoàn kết do địa phương thành lập, một số tàu tự liên kết thành các nhóm khai thác cùng nghề hoặc cùng ngư trường hoạt động hiệu quả trong thời gian qua. Việc phát triển đội tàu hậu cần và liên kết đánh bắt đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất thay cho việc phải vào bờ sau mỗi chuyến đi.
Đối với ngư dân của tỉnh đã tận dụng nhiều nguồn vốn đầu tư để đóng tàu thuyền công suất lớn, phục vụ khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến hải sản trên biển. Nhờ đó, đội tàu công suất lớn của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện và phát triển mạnh. Các tàu cá đóng mới, nâng cấp công suất lớn đảm chất lượng và từng bước phát huy hiệu quả. Số lượng tàu cá đóng mới được đầu tư đồng bộ, hiện đại, khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản và tổ chức lại sản xuất trên biển. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Trung ương và địa phương đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Phải khẳng định rằng, phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với tàu hậu cần thời gian qua đã đạt hiệu quả cao với số lượng tàu thuyền tham gia lớn được ngư dân tích cực ủng hộ, vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.