Theo dõi trên

Khai thác lồ ô trái phép trong Khu bảo tồn Núi Ông

12/01/2021, 08:49

Kỳ 2: Giá trị lồ ô

BT - Dù hoạt động khai thác lồ ô trái phép diễn ra khá tấp nập, nhưng lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (Khu bảo tồn Núi Ông) lại không nhận được bất cứ báo cáo nào về tình hình này của trạm bảo vệ rừng đóng chân trên địa bàn xã La Ngâu.

30 năm làm nghề… không giấy phép

Sau khi ra khỏi rừng Núi Ông, người dẫn đường đưa chúng tôi đến 2 vị trí tập kết của gia đình bà Thanh. Cả 2 điểm tập kết này đều nằm ở mặt đường quốc lộ 55. Trong đó, 1 điểm ở xóm Mới, bản 3, xã La Ngâu và 1 điểm ở xóm 5, xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh. Điểm tập kết ở xã Đồng Kho nằm trong khuôn viên một ngôi nhà khá khang trang. Tuy nhiên xét về số lượng lồ ô tập kết thì không đáng là bao so với điểm ở bản 3, xã La Ngâu. Ở đây, có đến hàng ngàn cây lồ ô đang được tập kết. Cảnh tượng này làm tôi nhớ lại lúc vào rừng chứng kiến cảnh người dân tàn phá những bụi lồ ô một cách không thương tiếc. Công bằng mà nói từ khi Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đi vào hoạt động, việc bảo vệ, phát triển rừng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Còn nhớ năm 2019, chúng tôi có dịp đi cùng lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam kiểm tra rừng Núi Ông từ xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam đến xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh. Nơi đây còn khá nhiều cây gỗ quý có kích thước rất lớn, dưới đất còn lưu lại vết chân của các loài động vật quý hiếm như: nai, chồn hương... Và cây tre, lồ ô thì ở đâu cũng gặp. Điều này cho thấy, tre lồ ô đã làm phong phú hệ sinh thái, làm tăng độ che phủ và giữ ẩm cho những cánh rừng. Dưới tán lồ ô cũng là môi trường sinh sống của nhiều loài động vật lớn nhỏ. Nhưng nếu cứ để xảy ra tình trạng người dân vào rừng chặt phá, thì chức năng bảo tồn thiên nhiên liệu có được phát huy hiệu quả?

Sau khi thu thập đủ tài liệu, sáng ngày 6/1, chúng tôi đã đến làm việc với ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Ông Dũng trần tình là vì khu bảo tồn có diện tích tới 24.000 ha nên việc quản lý rất khó khăn. Vẫn xảy ra tình trạng người dân vào rừng chặt 1 - 2 bó lồ ô mang về nhà để chẻ làm giàn trồng la ghim, hoa màu bán tết. Với những trường hợp này cán bộ gặp thì sẽ nhắc nhở. Tuy nhiên, khi nhìn những hình ảnh chúng tôi quay được về hoạt động khai thác trong rừng và số lượng lồ ô hiện có tại 2 điểm tập kết, ông Dũng thốt lên: “Nhiều vậy là khai thác về bán lại rồi”. Ngay sau đó, ông Dũng đã yêu cầu cán bộ lấy xe phối hợp với cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh kiểm tra hiện trường.

8 giờ 45 phút ngày 6/1, đoàn kiểm tra cùng với phóng viên có mặt tại cơ sở của bà Thanh ở xóm 5, xã Đồng Kho. So với những ngày trước thì số lượng lồ ô đã giảm đi nhiều. Nhưng trên các kệ vẫn chứa nhiều bó lồ ô đã được chẻ thành những thanh nhỏ. Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Thanh thừa nhận tất cả số lồ ô này đều không có giấy tờ liên quan. Bà Thanh cũng cho biết, bà làm nghề mua lồ ô rồi chế biến thành các sản phẩm khác đã 30 năm. Tuy nhiên bà không có các giấy phép liên quan đến hoạt đông mua bán, chế biến tre, lồ ô. “Tôi làm nghề này cũng lâu rồi, sợ không làm sẽ mất mối. Nhiều người cùng làm nghề đã nghỉ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vẫn tiếp tục. Số lồ ô này phần lớn do tôi mua ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Chỉ có số ít là tôi mua của người dân trong vùng”, bà Thanh cho biết.

Trong quá trình kiểm tra 2 cơ sở của bà Thanh, đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều người vẫn thực hiện việc chẻ những ống cây lồ ô ra thành những thanh nhỏ. Các sản phẩm này sẽ được bà Thanh bán cho các cơ sở thu mua thanh long dùng để kê thùng thanh long.

Sau gần 1 ngày kiểm đếm, Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh cho biết: Số lồ ô còn nguyên cây thu được ở nhà bà Thanh là hơn 1.100 cây. Tất cả đã được tịch thu đưa về trụ sở, riêng số cây đã bị cưa nhỏ thì chưa thể thống kê được. 

                
Lực lượng chức năng làm việc    với bà Thanh.

Sẽ làm rõ trách nhiệm các cán bộ liên quan

Trong quá trình làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết: Thời gian qua, Ban Quản lý khu bảo tồn có nhận được báo cáo của trạm bảo vệ về số vụ bắt các đối tượng khai thác gỗ trái phép, chứ không thấy báo cáo việc người dân vào rừng khai thác tre, lồ ô. Việc để người dân vào rừng khai thác mà cán bộ của trạm không biết, không báo cáo là chưa làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại hiện trạng, xác định diện tích, số lượng cây bị đốn. Sau đó sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ liên quan để có hình thức xử lý”, ông Dũng khẳng định.

Chỉ vào những đống lồ ô tại cơ sở của bà Thanh, ông Phạm Thanh Huy, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh chia sẻ: Trước mắt, đơn vị sẽ cho kiểm đếm số lâm sản là cây lồ ô hiện có trong 2 cơ sở của gia đình bà Thanh. Cho dù bà Thanh nói mua ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng hay bất cứ ở đâu mà không có giấy tờ chứng minh thì sẽ tịch thu. Sau khi có số lượng cây, chúng tôi sẽ cho tính ra giá trị để có căn cứ xử phạt. Đồng thời sẽ yêu cầu cho bà Thanh ký biên bản không tái phạm. Còn việc để người dân vào khai thác trái phép lồ ô trong khu bảo tồn thì sai phạm đã rõ. Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm của từng người. Trong đó, trạm bảo vệ rừng và kiểm lâm địa bàn là những người có trách nhiệm đầu tiên.

“Việc khai thác lâm sản phụ trên địa bàn huyện Tánh Linh trước đây thực hiện như thế nào?”, tôi hỏi. “Thực sự trong các cuộc họp, chúng tôi đều nhắc nhở anh em tăng cường kiểm tra. Nhưng thực tế anh em làm chưa thật tốt điều này. Việc tuần tra, kiểm soát vẫn còn nhiều sơ hở nên mới để xảy ra tình trạng người dân vào rừng bảo tồn chặt lồ ô về bán” - ông Huy cho biết. Sau buổi làm việc, chúng tôi đã cung cấp những hình ảnh về các đối tượng vào khu bảo tồn khai thác trái phép cây lồ ô cho ngành chức năng huyện Tánh Linh.  Sáng thứ 2 (11/1), Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông đã cử cán bộ đến kiểm tra hiện trạng khu vực rừng bị chặt phá. Đây sẽ là căn cứ để xử lý những người liên quan.

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu ngày càng tác động rõ nét đến cuộc sống của con người. Và trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đó, các khu bảo tồn thiên nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng, nâng cao độ che phủ của rừng, chống lại các diễn biến tiêu cực của khí hậu; trong đó có góp phần của cây lồ ô… 

         
         Box: Ngay sau khi Báo Bình Thuận khởi đăng kỳ 1 của loạt bài này,    ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo trực tiếp    Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tánh    Linh, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông kiểm tra    hiện trường, xử lý vụ việc và báo cáo để sở báo cáo UBND tỉnh.

Nhóm PV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác lồ ô trái phép trong Khu bảo tồn Núi Ông