
Kinh tế biển dịch chuyển mạnh
Cùng với TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, Tuy Phong là 1 trong 3 ngư trường lớn của tỉnh, với nhiều loài hải, đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nhờ tích cực triển khai các chủ trương, chính sách phát triển tàu thuyền, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại, phục vụ khai thác xa bờ, nên số lượng phương tiện đánh bắt công suất lớn của huyện tăng dần qua từng năm. Nếu năm 1983, toàn huyện chỉ có 400 tàu cá có công suất 56 CV, đa số là tàu thuyền công suất nhỏ, thì đến nay, số tàu thuyền đã hơn 2.000 chiếc với tổng công suất gần 250 CV, trong đó tàu có chiều dài 15 m trở lên là 258 chiếc. Những năm trước, ngư dân chỉ quen với việc đánh bắt truyền thống nhỏ lẻ, thủ công, thì gần đây, đội tàu công suất lớn liên kết với nhau thành các tổ, đội đoàn kết trên biển, đầu tư trang thiết bị hiện đại phát triển mạnh, thường xuyên bám biển vươn khơi xa, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những năm qua, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân thuận lợi, sản lượng tăng cao hàng năm, vì thế nghề biển nơi đây luôn được chú trọng và không ngừng phát triển. Sản lượng khai thác hải sản trong năm 2024 đạt 55.450 tấn, trong quý I/2025 đạt 14.920 tấn/60.000 tấn, đạt 24,87% chỉ tiêu giao và tăng 128% so với cùng kỳ năm 2024.

Lãnh đạo UBND huyện Tuy Phong nhìn nhận: Những năm qua, tiềm năng kinh tế biển của địa phương đã được chú trọng khai thác ngày càng tốt hơn, đời sống nhân dân vùng ven biển dần ổn định và có cải thiện. Cơ cấu kinh tế biển chuyển dịch theo hướng tích cực, một số ngành, lĩnh vực phát triển khá nhanh, nhất là du lịch. Các mô hình khai thác hải sản xa bờ gắn với chế biến, dịch vụ hậu cần trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ngày càng được phát huy, nhân rộng. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo từng bước được đầu tư, nâng cấp, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được phát triển tương đối toàn diện.

Tiềm năng du lịch biển
Ngoài sở hữu cảng vận tải quốc tế duy nhất của tỉnh – cảng Vĩnh Tân, Tuy Phong còn có hai cảng cá Liên Hương và Phan Rí Cửa khá sầm uất, là nơi neo đậu tàu thuyền và mua bán hải sản rất nhộn nhịp của ngư dân địa phương. Những năm qua huyện Tuy Phong đã nỗ lực giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho hàng ngàn lao động địa phương. Việc đào tạo nghề cho lao động các xã bãi ngang ven biển chủ yếu là: Thuyền trưởng, máy trưởng (hạng 4, 5) và các kiến thức cơ bản về hàng hải, thủy văn, khai thác hiện đại… Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, giúp lao động nơi đây có cơ hội vận dụng vào thực tiễn khai thác đánh bắt, chế biến hải sản góp phần gia tăng giá trị sản phẩm.

Với quyết tâm đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là tiềm năng kinh tế biển, lãnh đạo huyện Tuy Phong đang tập trung phát huy tiềm năng lợi thế ở các vùng đất ven biển, tăng cường thu hút đầu tư các dự án. Nhất là sẽ tập trung khai thác tiềm năng các loại hình du lịch biển, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư phát triển tàu thuyền công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ, trang bị kỹ thuật - công nghệ hiện đại. Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại thuyền nghề theo hướng không đóng mới tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ, các loại nghề có ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp, phát huy tốt tiềm năng lợi thế sẵn có, từng bước biến vùng đất đầy nắng, gió này trở thành không chỉ là trung tâm năng lượng của tỉnh, mà còn là một địa phương sầm uất nhộn nhịp bậc nhất về kinh tế biển, du lịch biển của Bình Thuận.