Theo dõi trên

Khan hiếm lao động biển

12/11/2021, 09:11

BT- Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 tàu cá các loại, nhưng chỉ có khoảng 46.000 lao động trực tiếp khai thác thủy sản, bình quân 1 tàu cá chưa có đến 4 lao động/1 chuyến biển. Ðiều đó cho thấy tình trạng khan hiếm lao động đi biển ngày càng trầm trọng.  

Bỏ biển lên bờ

Có chiếc thuyền nhỏ 45CV đi khai thác gần bờ nhiều năm nay, nhưng càng đi càng lỗ khiến anh Đào Chí Hùng (khu phố Phú Tân – thị trấn Phan Rí Cửa) đành bán thuyền, bỏ biển. Anh chia sẻ: “Đi biển vất vả, nhưng bữa có bữa không, không đủ chi phí chia cho 2 bạn thuyền lo cuộc sống. Tôi đành bán thuyền, theo anh trai làm phụ hồ ngày cũng được vài trăm ngàn đồng”. Anh Hùng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ngư dân phải bỏ biển lên bờ kiếm kế sinh nhai.

Nhiều năm nay, tình trạng thiếu lao động đi biển không còn là chuyện lạ của các chủ tàu. Với những địa phương có số lượng tàu cá lớn như TP. Phan Thiết 3.518 chiếc, thị xã La Gi 3.293 chiếc, huyện Tuy Phong 2.974 chiếc, huyện đảo Phú Quý 1.560 chiếc, mỗi chuyến vươn khơi phải có ít nhất từ 7 – 10 người. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu “đỏ mắt” tìm lao động biển không ra. Thêm vào đó, nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, nhiều tàu đi biển luôn trong tình trạng lỗ tổn, dẫn đến bạn thuyền không còn mặn mà với nghề. Để giữ chân lao động, nhiều chủ tàu phải ứng tiền trước mấy tháng liền, hoặc sẽ chia theo tỷ lệ sản lượng thu hoạch trên mỗi chuyến biển thay vì trả tiền tháng như trước. Dù tìm rất nhiều cách, nhưng lao động bỏ biển lên bờ ngày càng nhiều, dẫn đến phát triển kinh tế thủy sản của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Ảnh tư liệu: Đ.Hòa

Chưa kể, trong năm nay, dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, 2 cảng cá lớn của tỉnh phải đóng cửa, nhiều tàu thuyền không được ra khơi. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2021, toàn tỉnh có khoảng 3.228 tàu cá/12.600 lao động tạm ngưng hoạt động. Chính vì thu nhập bấp bênh, tàu nằm bờ dài ngày, nhiều lao động ở các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên… vào Bình Thuận đi biển, cũng đành xin nghỉ về quê. Nhiều lao động tại chỗ phải nhảy lên bờ kiếm việc khác sinh nhai. 

Loay hoay tìm giải pháp

Để lượng lao động biển tham gia khai thác thủy sản ổn định, bên cạnh việc đảm bảo thu nhập cho ngư dân, ngành chức năng còn phải tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên biển và phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ nghề cá. Bởi nguồn lợi thủy sản giảm là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả khai thác không cao, lao động khai thác thủy sản chuyển nghề. Trong dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Bình Thuận đang trình cơ quan thẩm quyền xem xét, có nhắc đến việc sẽ  đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Mũi Né, trong đó khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là 300 chiếc/600 CV, kết hợp cảng cá với lượng tàu cập cảng 80 tàu/ngày, loại tàu cập cảng lớn nhất là 600CV, hàng thủy sản khoảng 12.000 tấn/năm. Có được nền tảng này, sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động thủy sản và các nghề liên quan, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là vùng biển.

Bên cạnh đó, Khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, có nhiều chính sách, hỗ trợ trong việc đào tạo nghiệp vụ liên quan đến nghề cá, đáp ứng theo yêu cầu mới. Trong đó, việc nâng cao trình độ, tay nghề cho ngư dân cũng là việc làm cấp thiết. Bởi trên thực tế, dù nghề cá đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, nhưng tay nghề của ngư dân vẫn chủ yếu  được đào tạo theo kiểu “cha truyền, con nối”. Chính vì vậy, những năm gần đây, Bình Thuận xảy ra không ít sự cố đáng tiếc với ngư dân khi đánh bắt trên biển do thiếu kỹ năng, kiến thức vận hành trang thiết bị trên tàu và các quy định pháp luật trên biển.

Trong các cuộc họp ngành thủy sản gần đây, lãnh đạo Chi cục Thủy sản cũng như lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng, tình trạng khan hiếm lao động biển đến nay vẫn chưa có giải pháp nào căn cơ, vì đặc thù bạn biển không có hợp đồng lao động. Do đó, việc xây dựng đội ngũ lao động biển có trình độ, phân chia theo nhóm ngành nghề, có hợp đồng lao động, vận hành theo quy định của pháp luật... là giải pháp quan trọng để phát triển nghề cá theo hướng hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ tàu khi tuyển lao động như đóng bảo hiểm, hỗ trợ kinh phí đánh bắt xa bờ…

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khan hiếm lao động biển