Khu dân cư đông dân nhất trên đảo, mùa khô thiếu nước sinh hoạt.
Trước thực trạng khan hiếm nguồn nước thô nghiêm trọng, 2 nhà máy nước ở Ngũ Phụng, Long Hải phải cấp nước luân phiên theo khu vực. Vào thời gian cao điểm trong ngày hoặc dịp lễ nhiều khu vực dân cư áp lực nước rất yếu hoặc ngưng cấp nước cục bộ. Ông Lê Loan, ngụ tại xã Long Hải chia sẻ: “Những tháng cuối năm 2018 nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân, khách du lịch không đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Tình trạng khan hiếm nguồn nước kéo dài người dân rất bức xúc. Trong lúc đó một số hộ đầu nguồn nước máy lại sử dụng nước sạch tưới cây trồng, chăn nuôi càng làm cho nguy cơ thiếu nước bức bách hơn. Do vậy, cơ quan quản lý, vận hành cần sớm có giải pháp nâng cấp nhà máy nước…”.
Chúng tôi được biết, trước tình hình thiếu nước sinh hoạt ở đảo, năm 2017 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã kiến nghị và được UBND tỉnh chỉ đạo lập dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước Phú Quý, với mục tiêu nâng công suất cấp nước và cải thiện chất lượng nước cấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Trong năm 2018 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã khảo sát lập dự án trình sở Kế hoạch – Đầu tư thẩm định. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư dự án khá lớn (40 tỷ đồng) nên tỉnh chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Mặc dù, chưa bố trí được vốn đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước hiện hữu, nhưng năm 2017 UBND tỉnh vẫn chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn triển khai công tác thăm do nước dưới lòng đất để bổ sung nguồn nước thô cho nhà máy nước với lưu lượng nước cấp 2.000m3/ngày đêm. Qua khoan thăm dò tại 12 giếng khoan Trung tâm đã lập hồ sơ xin phép khai thác nước dưới lòng đất. Tuy nhiên, qua báo cáo của ngành chức năng thì nguồn nước ngầm dưới lòng đất ở Phú Quý đang xuống mức thấp, do vậy, các giếng khoan của các hộ dân và giếng khoan nhà máy nước hầu như bị nhiễm mặn, không sử dụng được nguồn nước. Như vậy, nguồn nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân trên đảo vẫn còn là bài toán khó giải. Trước mắt, trên đảo cần xây dựng hệ thống hồ chứa nước mưa để sử dụng khi mùa khô khan hiếm nước máy. Đồng thời, có giải pháp sử dụng tiết kiệm nước như: Tận dụng các quy trình tuần hoàn để giảm lượng nước tiêu hao đối với sản xuất công nghiệp; sử dụng tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất. Đối với nông nghiệp, khuyến khích quy trình tưới tiết kiệm nước hoặc chọn giống cây trồng ít tiêu hao nước mà vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế; trong sinh hoạt hàng ngày người dân có ý thức tiết kiệm nước. Về lâu dài, ngoài việc nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước hiện hữu thì có thể nghiên cứu các phương án khác như: Đưa nước sạch từ nơi khác về đảo; nghiên cứu quy trình “lấy nước ngọt từ nước biển”…để đáp ứng nhu cầu cấp nước ngọt trên đảo.
Lê Thanh