Việc triển khai kế hoạch này là thực hiện quy định Luật Thủy sản năm 2017 về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá và lộ trình thực hiện tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Và UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai hệ thống giám sát tàu cá tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 17/6/2019. Giám sát tàu cá, như đã nói chính là giúp ngư dân định hướng đúng hoạt động khai thác, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp nhất là phát hiện, ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đồng thời, làm cơ sở xác nhận tàu cá hoạt động trên vùng biển xa bờ để thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo đó, UBND tỉnh quy định thời hạn cụ thể hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên theo lộ trình của Chính phủ, đồng thời gắn với yêu cầu quản lý các nghề khai thác có tính đặc thù của địa phương. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/11/2019, số tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 293 chiếc trong tổng số 1.834 tàu cá của tỉnh thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đạt 16%). Ngoài nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên đã hoàn thành việc lắp đặt theo lộ trình; có 463 tàu cá nghề câu, lặn hoạt động vùng biển xa và nghề giã cào bay phải hoàn thành lắp đặt trước ngày 31/10/2019, nhưng đến nay mới thực hiện lắp đặt 260 chiếc (đạt 56%). Bên cạnh đó, còn trên 650 tàu cá đăng ký hoạt động vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg phải hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/1/2020. Tình hình trên cho thấy việc tổ chức thực hiện Kế hoạch 1519 của Chủ tịch UBND tỉnh còn chậm, chưa đạt yêu cầu về tiến độ, nhiều khả năng không đảm bảo lộ trình theo quy định của Chính phủ nếu không có các biện pháp quyết liệt hơn.
Chính vì chưa đạt mục tiêu, nên UBND tỉnh khẩn trương yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát toàn bộ danh sách tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Thông báo đến từng chủ tàu về thời hạn phải hoàn thành việc lắp đặt đồng thời gởi thông tin tàu cá (tên chủ tàu, địa chỉ thường trú, số đăng ký, ngành nghề hoạt động) đến chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã), các đồn, trạm kiểm soát biên phòng cửa biển để phối hợp kiểm tra, giám sát, yêu cầu chủ tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu tính năng kỹ thuật của các loại thiết bị, hướng dẫn lắp đặt thiết bị có tính năng phù hợp gắn trên nhóm tàu cá hoạt động vùng biển xa bờ có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá hành nghề giã cào bay (nguồn điện năng sử dụng, tần suất thông báo vị trí tàu, phương thức cảnh báo nguy cấp...), nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả tối ưu trong quản lý.
Các địa phương Tuy Phong, TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, Phú Quý, trong đó UBND tỉnh nhấn mạnh, nhất là Phan Thiết và La Gi tập trung cảnh báo cho các chủ tàu cá về những biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đối với các trường hợp không tuân thủ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo thời hạn quy định. Để đảm bảo cho lộ trình, cũng sẽ có biện pháp cứng rắn đối với các trường hợp quá thời hạn mà vẫn chưa thực hiện lắp đặt thiết bị thì kiên quyết không cho xuất bến đi hoạt động sản xuất, đồng thời lập hồ sơ xử lý theo quy định. Đối với những địa phương lâu nay có nguy cơ cao về giã cào bay, ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài hoặc hoạt động nghề giã cào bay trái phép phức tạp phải tăng cường theo dõi, quyết liệt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tại địa phương.
Q.Nhân