Theo dõi trên

Khi đại dịch “tấn công”… phân bón

01/12/2021, 06:56

Bài 2: Kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ đông xuân

Bài 3: Thời cơ của sản xuất tốt

BT- Trong lúc nông dân nói chung lúng túng trước giá phân, thuốc tăng cao để có thể bắt đầu vụ đông xuân 2021 - 2022, câu chuyện sản xuất nông nghiệp ở Bắc Bình cho thấy là có đường đi, chứ không mịt mù.

Sử dụng thiết bị bay (drone) phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ở Bắc Bình.

 Chỉ vì ngại thay đổi

Việc khuyến cáo nông dân áp dụng giống mới, không sạ dày để sử dụng phân thuốc vô cơ ít đi, phối hợp cùng phân hữu cơ nhằm bảo đảm mang lại hiệu quả trên nhiều mặt của sản xuất là chuyện mà ngành chức năng và các huyện, thị trong tỉnh đã thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực tế diễn ra cho thấy có chuyển biến nhưng chưa lan tỏa. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chung quy là đã quen với tập quán sản xuất như thế nên ngại thay đổi và tận cùng vấn đề là sợ thất bại, không có nguồn thu nhập lại thêm nợ nần. Điều đáng nói, mấy năm qua, nếu hộ dân thay đổi sản xuất theo hướng tiến bộ trên thì có Nhà nước hỗ trợ trên nhiều mặt. Như gần đây thực hiện Nghị định 62/2019/NĐ-CP, vốn được sửa chữa, bổ sung từ Nghị định 35/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, tại khoản 1, điều 8 về hỗ trợ cho người trồng lúa có nêu:

Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, qua thông tin từ một số huyện trọng điểm lúa của tỉnh thì việc triển khai không mấy thuận lợi. Như Đức Linh mới triển khai trong vụ mùa 2020 với 500 ha tại cánh đồng ở 7 xã trong huyện. Quá trình vận động nông dân tham gia rất nhọc, vì hầu hết họ đều muốn hỗ trợ bằng tiền mặt thay vì được hỗ trợ qua giống mới, qua kỹ thuật…Đồng thời thắc mắc việc dùng giống lúa mới, sạ với lượng 12 kg thay vì 25 kg hay 30 kg giống/sào như lâu nay, lỡ như sau hơn 3 tháng không hiệu quả thì ai giúp cái ăn cho gia đình họ. Tất nhiên, không cán bộ xã nào đi vận động các hộ dân này dám cam kết sẽ hiệu quả, vì cũng chẳng thể có gì là vật làm tin. Vì nỗi lo thất thu luôn thường trực nên khi tham gia mô hình, có hộ dân còn không tuân thủ theo hướng dẫn. Hiện những diện tích này đang chuẩn bị thu hoạch và kết quả ra sao là cơ sở để bắt đầu hành trình vận động nông dân tiếp tục sạ lượng giống ít đi để tiết kiệm phân bón.

Trước đó, Bắc Bình cũng đã triển khai thực hiện Nghị định 62 vào vụ đông xuân 2020 - 2021 và tình hình diễn ra cũng tương tự, khi diện tích đặt ra không sản xuất hết nên cũng không thể sử dụng hết kinh phí. Cụ thể, tổng diện tích thực hiện của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện gom về được 879,99 ha, trong khi kế hoạch đặt ra 1.252,75 ha, tức chỉ đạt 70,24%. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện được hơn 5,78 tỷ đồng, chỉ đạt 73% trong kế hoạch vốn 7,89 tỷ đồng. Lý do của tình hình trên như Bắc Bình chỉ ra là do một số xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm triển khai sâu rộng để nhân dân nắm bắt chủ trương, chính sách của Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời cũng chưa chủ động trong công tác triển khai đăng ký tham gia thực hiện theo quy định, nhất là những xã, thị trấn có diện tích canh tác cây lúa nhiều như Hải Ninh, Phan Điền, Lương Sơn, Phan Thanh và Bình An. Mặt hạn chế này xuất phát từ lý do khác. Đó là nhận thức của một số cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế, e ngại trong sử dụng giống mới. Vì thế cũng chưa thể mạnh dạn cùng nông dân đẩy mạnh triển khai, dù trên địa bàn đã trồng thử nghiệm, nhân rộng và có hiệu quả về tính phù hợp với địa phương, năng suất lẫn đầu ra thu mua…

 Đã có “đường đi”

Bên cạnh các trở ngại trên, kết quả mà Bắc Bình thu về trong vụ đông xuân 2020 – 2021 là 879,99 ha ấy cho sản lượng 5.645,92 tấn lúa gồm Đài Thơm 8, ST 24, ST25, OM84, OM 406, tức đạt năng suất bình quân 6,4 tấn/ha. Có nơi đạt năng suất cao hơn sản xuất theo tập quán lâu nay như Lương Sơn 8 tấn/ha, Phan Hòa 7,5 tấn/ha, Phan Rí Thành 7 tấn/ha, Phan Hiệp 6,7 tấn/ha…Tùy vào năng suất từng nơi ấy, huyện Bắc Bình nhận thấy, lợi nhuận trong việc sản xuất giống lúa mới cao hơn các giống lúa truyền thống mà dân nơi này sử dụng phổ biến là ML48 được từ 5 – 8 triệu đồng/ha. Đó là lý do trong vụ mùa 2020, Bắc Bình tiếp tục có thêm 519 ha nữa, chủ yếu từ những hộ dân ở các xã chưa thực hiện vụ trước. Và vụ đông xuân 2021 - 2022 thì đang tiếp tục.

Điều đáng chú ý, cũng từ đây mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người trồng lúa tại Bắc Bình dần hình thành. Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời đã thực hiện bao tiêu sản phẩm khoảng 600 ha trong diện tích trên cho nông dân qua trình tự cung cấp giống mới, giống xác nhận đạt tiêu chuẩn về chất lượng; phân thuốc, cùng đội ngũ kỹ sư nông nghiệp bám ruộng, hướng dẫn nông dân trồng và chăm sóc lúa theo phương thức tiên tiến, khoa học, bảo đảm cho hạt lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau thu hoạch, tập đoàn tính toán và trả lại phần hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân cùng phần lợi nhuận. 2 vấn đề mà nông dân tham gia liên kết với tập đoàn qua HTX… ấn tượng là máy móc thay người phun xịt thuốc qua sử dụng máy bay không người lái và sử dụng ít giống lại, chỉ dừng ở 180 - 200kg/ha, theo đó sử dụng phân bón cũng giảm theo, còn 300 - 320 kg/ha. Nếu so với cách sản xuất trước đây, phải mất đến 300 kg giống/ha thì tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền giống, tương tự phân bón cũng thế, bà con sử dụng đến 400 kg/ha.  Và trong bối cảnh giá phân thuốc tăng cao hiện nay, việc tiết kiệm được khoảng 100 kg phân/ha, tính ra là rất kinh tế. Hơn nữa, với tình hình nhiều nông dân còn phụ thuộc tiểu thương thì cũng có thể không sử dụng phân bón từ tập đoàn nhưng phải bảo đảm lượng phân sử dụng trên ruộng phù hợp, tránh dư thừa.

Trong lúc nông dân nói chung lúng túng trước giá phân, thuốc tăng cao để có thể bắt đầu vụ đông xuân 2021 - 2022, câu chuyện sản xuất nông nghiệp trên ở Bắc Bình cho thấy là có đường đi, chứ không mịt mù. Thực tế, không chỉ ở Bắc Bình, tại các huyện trọng điểm lúa khác như Tánh Linh… cũng đã và đang xuất hiện những liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa lớn, nhỏ khác nhau. Theo đó, đã tác động ít nhiều vào tập quán sản xuất của nông dân ở từng nơi và sản xuất tốt cũng xuất hiện nhưng thực tế cho thấy, đó là một hành trình dài phải nỗ lực cho sự tiếp tục phát triển. Và trong bối cảnh phân bón tăng giá cao này là cơ hội cho sản xuất tốt mở rộng thêm.

Bích Nghị - Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi đại dịch “tấn công”… phân bón