Theo dõi trên

Khi người dân có Đảng soi đường. Bài 1

22/03/2023, 05:28

Từ một vùng núi hoang sơ, đường sá đi lại khó khăn đời sống người dân nghèo nàn, “trường, trạm, điện, nước sạch” thiếu trước hụt sau… Nhưng qua chặng đường hình thành Tánh Linh vươn mình phát triển mạnh mẽ không thua kém các huyện miền xuôi.

Bài 1: Phát triển theo dòng thời gian

Tái lập huyện…

Đi trên tuyến đường nhựa   ĐT720 từ Hàm Tân đến Tánh Linh hay tuyến ĐT717 từ xã Đồng Kho qua huyện Đức Linh đến Đồng Nai, Lâm Đồng… ít ai hình dung được những tuyến đường này trước đây đường đất sình ngập tận đầu gối, giao thông cách trở nên đời sống người dân khốn khó vô cùng. Còn bây giờ Tánh Linh có quốc lộ 55 băng ngang thuận lợi cho du lịch. ĐT 720 sắp kết nối với cao tốc nên người dân Tánh Linh đang có thêm cơ hội để tăng tốc phát triển kinh tế… Sau ngày thống nhất đất nước, Tánh Linh sát nhập vào huyện Đức Linh ngày 30/6/1975, Khu VI quyết định sát nhập 3 mảng Nam Thành, Hoài Đức, Nam Thắng (Tánh Linh) thành huyện Đức Linh. Đến năm 1983, thực hiện Quyết định số 204 ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Đức Linh chia thành 2 huyện và ngày 1/5/1983 tỉnh Thuận Hải chính thức chia tách huyện Đức Linh thành 2 huyện: Đức Linh và Tánh Linh. Huyện Tánh Linh sau khi tái lập (1/5/1983), phía Bắc giáp với huyện Di Linh (Lâm Đồng), phía Nam giáp huyện Hàm Tân, phía Đông giáp với huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và phía Tây giáp với huyện Đức Linh. Tánh Linh có diện tích 1.173km2, trong đó rừng núi chiếm 2/3 diện tích toàn huyện. Dân số toàn huyện khi tái lập hơn 44.000 người. Từ năm 1983 - 1984, huyện nhận thêm hơn 10.000 người từ tỉnh Bình Trị Thiên cũ đến sinh sống. Toàn huyện có 11 dân tộc, gồm Kinh, Nùng, Gia-rai, Ba-na, Tày, Thái, Hoa, Khơme, Mường, Dao, Ngãi và Ê-đê. Toàn huyện có 11 xã, gồm Đức Phú, Nghị Đức, Đức Tân, Bắc Ruộng, Măng Tố, Huy Khiêm, La Ngâu, Lạc Tánh, Gia An, Gia Huynh, Suối Kiết và Lạc Tánh là trung tâm của huyện. Năm 1989, theo quyết định của tỉnh thành lập thêm 3 xã mới, Đồng Kho, Đức Thuận, Đức Bình và năm 1999 xã Lạc Tánh được nâng lên thành thị trấn Lạc Tánh. Đến năm 2000, huyện Tánh Linh có 13 xã và 1 thị trấn. Đến năm 2020, xã Măng Tố và xã Đức Tân nhập lại và lập xã mới, với tên gọi xã Măng Tố. Hiện huyện Tánh Linh có 12 xã và thị trấn Lạc Tánh.

6524014f72437e8030ae311d0a5df6ec.jpg
Một góc Tánh Linh.

Do điểm xuất phát của Tánh Linh thấp hơn các huyện khác trong tỉnh, nhất là huyện miền núi đi lại, giao thương khó khăn nhưng bằng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân nên Tánh Linh đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ từng bước đi lên vững chắc. Đến nay Tánh Linh đã có đường liên xã, liên thôn, liên xóm bằng nhựa hoặc bê tông thông suốt, nhiều “trường, trạm” đạt chuẩn quốc gia, điện, nước sạch đã đến với dân vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân từng bước cải thiện khá lên và làm giàu. Theo ông Giáp Hà Bắc – Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh: Kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá và tương đối ổn định, bình quân tăng 20,14% hàng năm. Thu nhập bình quân đầu người từ 0,079 triệu đồng năm 1983 lên 55,8 triệu đồng năm 2023, tăng bình quân 17,82%/năm. Tánh Linh hiện không chỉ là vùng trọng điểm lúa của tỉnh mà huyện còn là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất tỉnh, trên 22.000 ha. Các cụm công nghiệp thu hút ngành nghề gắn liền vùng nguyên liệu lợi thế của huyện được hình thành, tiềm năng du lịch tâm linh, Thác Bà, hồ Đa Mi, hồ Biển Lạc đang là nơi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh – Bí thư Huyện ủy Tánh Linh cho biết: Từ 409 đảng viên với 30 cơ sở Đảng năm 1983, đến nay Đảng bộ huyện phát triển 3.399 đảng viên, với 30 tổ chức cơ sở đảng, 288 chi bộ trực thuộc và 76/76 thôn, khu phố có chi bộ. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ luôn được giữ vững. Những thành tựu to lớn của quá trình 40 năm tái lập, xây dựng, phát triển và hội nhập đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, năng động, sáng tạo của Đảng bộ huyện là nhân tố quyết định sự thắng lợi và phát triển. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp từng bước đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân luôn được giữ vững. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng phát triển cả về tổ chức và hội viên, hoạt động khá đồng đều. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể góp phần quan trọng đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện vào cuộc sống…

Là huyện miền núi, điểm xuất phát thấp và có nhiều bất lợi về địa lý, địa hình cũng như thị trường…Sau 40 năm tái lập, Đảng bộ và hệ thống chính trị Tánh Linh đã làm gì để định hướng giúp dân, nhất là trong chiến lược phát triển kinh tế?

Đường liên xã, liên thôn, liên xóm bằng nhựa hoặc bê tông thông suốt, nhiều “trường, trạm” đạt chuẩn quốc gia, điện, nước sạch đã đến với dân vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân từng bước cải thiện khá lên và làm giàu. Tất cả đều nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, người dân tin vào Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh bởi không chỉ Đảng đã lãnh đạo chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước mà Đảng và hệ thống chính trị đang mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc, là kim chỉ nam cho công cuộc phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…Và người dân Việt Nam nói chung, dân Tánh Linh nói riêng đang đặt trọn niềm tin vào Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh để từng bước làm giàu cho mình và cho đất nước…

NHỊ THIÊN - MINH TUẤN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Khi người dân có Đảng soi đường. Bài 2
Trong hơn 2 nhiệm kỳ từ 1995 đến 2005 Đảng bộ Tánh Linh có nhiều Nghị quyết định hướng làm thủy lợi. Xác định thủy lợi là khâu then chốt để biến cánh đồng lúa La Ngà trở thành vùng lúa trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, năm 2003, Huyện ủy Tánh Linh ban hành Chỉ thị 15 về phát triển thủy lợi với tầm nhìn chiến lược đã tạo “cú hích” trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi người dân có Đảng soi đường. Bài 1