Theo dõi trên

Khi phụ nữ thử sức với kinh tế tập thể

20/01/2025, 05:22

Tại huyện Tuy Phong, những mô hình kinh tế do phụ nữ sáng lập và quản lý đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể. Các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo cơ hội việc làm ổn định, nâng cao vai trò của phụ nữ trong đời sống kinh tế - xã hội.

Những câu chuyện từ bàn tay phụ nữ

Tại xã Hòa Minh, cây hoa vạn thọ từ lâu đã là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Năm 2022, một bước chuyển mới được đánh dấu khi các hộ trồng hoa tại đây đã cùng nhau tập hợp thành lập Tổ hợp tác trồng hoa vạn thọ, bắt đầu với 11 thành viên, tất cả đều là phụ nữ. Đến nay, tổ hợp tác đã mở rộng lên 13 thành viên, canh tác trên diện tích 1,3 ha hoa vạn thọ phục vụ thị trường, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Hoa vạn thọ mang thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ xã Hòa Minh

“Vạn thọ không chỉ là cây trồng truyền thống mà còn là nguồn cây trồng chủ lực cho thu nhập chính của nhiều chị em trong xã. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, hoa vạn thọ không chỉ làm đẹp cho trang hoàng nhà cửa mà còn trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình”, chị Lê Thị Xuân Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Minh, chia sẻ. Nhờ sự hỗ trợ từ Hội Phụ nữ xã và các nguồn vốn vay ưu đãi, việc trồng và chăm sóc hoa ngày càng hiệu quả hơn. Trong năm 2024, Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp tài liệu và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, đồng thời giúp các chị em nhận biết và phòng trừ bệnh hại. Bên cạnh đó, thông qua các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và dự án giảm nghèo, 6 thành viên của tổ hợp tác đã được hỗ trợ vay tổng cộng 441 triệu đồng để mở rộng sản xuất.

Tổ phụ nữ trồng táo xã Phong Phú

Thực hiện "Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia, quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", UBND huyện Tuy Phong đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể. Các nội dung như Luật HTX, chính sách hỗ trợ, quy trình thành lập và phát triển HTX đã được phổ biến rộng rãi, kết hợp với ứng dụng mạng xã hội để tăng cường hiệu quả tuyên truyền. Qua đó, giúp các chị nắm vững kiến thức, các chính sách hỗ trợ, quy trình thành lập và điều hành HTX, THT...

Toàn huyện hiện có 21 HTX và 18 THT, trong đó 4 HTX và 2 THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Điển hình là HTX dịch vụ nông nghiệp Phong Phú, HTX vệ sinh môi trường Vĩnh Tân, HTX vận tải ô tô Tuy Phong. Ngoài ra, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ thành lập 2 tổ hợp tác do phụ nữ điều hành là Tổ phụ nữ trồng táo xã Phong Phú và Tổ phụ nữ trồng hoa vạn thọ xã Hòa Minh. Những mô hình này đã tạo việc làm ổn định cho 53 lao động nữ, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho nhiều gia đình. Huyện cũng tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh và kỹ năng quản lý tài chính cho phụ nữ. Năm 2024, đã có 50 chị em tham gia hội nghị tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh, 9 chị được đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp và xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm.

Hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay và nâng cao năng lực quản lý cho phụ nữ.

Đến những ý tưởng sáng tạo kinh doanh

Song song đó, Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” cũng mang lại luồng gió mới, thúc đẩy phụ nữ huyện Tuy Phong tham gia khởi nghiệp sáng tạo. Sự kiện “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” đã thu hút hơn 120 hội viên tham dự, mang đến cơ hội chia sẻ ý tưởng, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ phụ nữ địa phương đã để lại ấn tượng, điển hình như: Dầu phộng nguyên chất của chị Lê Thị Xuân Thảo (xã Hòa Minh), Ổi sạch bao lưới của chị Võ Thanh Vân (xã Phong Phú), Táo sạch phủ lưới của chị Nguyễn Thị Ái (xã Phú Lạc), Măng tây xanh của chị Võ Thị Kim Thảo (xã Chí Công). Đặc biệt, sản phẩm táo xanh sấy dẻo ít đường của chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (xã Phong Phú), đạt giải ba cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn tạo dựng thương hiệu riêng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.

Để đảm bảo thành công cho các mô hình kinh tế tập thể và ý tưởng khởi nghiệp, huyện Tuy Phong đã tích cực hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay và nâng cao năng lực quản lý. Hội LHPN huyện phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 52 phụ nữ vay vốn, với tổng số tiền hơn 4,19 tỷ đồng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, quản lý tài chính, lập kế hoạch kinh doanh thu hút hàng trăm hội viên tham gia. UBND huyện còn chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. Tiêu biểu, sản phẩm táo tại xã Phong Phú đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và đưa vào chương trình OCOP. Các mô hình sản xuất cây, con đặc sản như: táo, hoa vạn thọ, măng tây... được định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị kinh tế.

Thành công của các HTX, THT và các ý tưởng khởi nghiệp do phụ nữ quản lý không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn tạo động lực để nhiều phụ nữ mạnh dạn thử sức với kinh tế tập thể.

THANH DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuy Phong: Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu lao động hiệu quả
BTO-Huyện Tuy Phong có dân số là 147.736 người, trong đó lực lượng lao động khoảng 77.347 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Nhằm tạo thêm cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân, huyện đã tích cực triển khai các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Nổi bật
Tuy Phong thu ngân sách vượt dự toán
Thu ngân sách nhà nước được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nên ngay từ đầu năm UBND huyện Tuy Phong đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành và địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao, nhờ vậy thu ngân sách nhà nước năm 2024 của huyện đã vượt dự toán giao đầu năm…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi phụ nữ thử sức với kinh tế tập thể