Theo dõi trên

Khi thầy cô “làm” ca sĩ

25/05/2017, 09:29

BT- 3 buổi thi tài với 28 chương trình biểu diễn, đã có 22 tiết mục đơn ca, 18 tốp ca, tam ca, song ca và 20 tiết mục múa được các thầy cô, công nhân viên trình diễn tại Hội diễn Nghệ thuật không chuyên ngành giáo dục năm 2017 vừa kết thúc trưa 21/5.

Mặc dù đang tất bật với công tác thi cử, nhất là chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 nhưng vẫn có đầy đủ 26 trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh (cùng với 3 đoàn Trường Cao đẳng Cộng đồng, Công đoàn sở GD&ĐT và Công ty Sách và thiết bị trường học) thành lập các đoàn nghệ thuật để tụ hội về Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Phan Thiết biểu diễn.

Cũng đứng trên bục giảng của hội trường, nhưng thay vì truyền đạt những bài học cho học trò, các thầy cô say sưa hát vang những ca khúc ca ngợi quê hương, tình yêu đất nước và nghề giáo của mình trong sự cổ vũ nồng nhiệt, thắm tình đoàn kết, hữu nghị của đồng nghiệp. Bận bịu thay trang phục cho đồng nghiệp, rồi các thầy cô ở hậu trường lại nhanh chóng quay về sân khấu hay đứng bên cánh gà…để ghi hình, để hô hào động viên…rồi lại chạy ngược chạy xuôi sửa soạn trang phục cho tiết mục kế tiếp. Các thầy cô trên sân khấu cũng vất vả không kém. Tập luyện nhiều buổi liền, nhưng đâu phải ai cũng tự tin khi bước lên sân khấu! Nhiều trường gần trung tâm, có thời gian và điều kiện tốt để tập luyện thì trình diễn 2 đến 3 tiết mục với đủ thể loại đơn ca, tốp ca và múa. Vài trường ở xa thì chỉ đăng ký 1 bài hát thôi. Nhưng cái được lớn nhất của hội diễn là tạo cơ hội để các thầy cô giáo gặp gỡ, giao lưu văn hóa văn nghệ, thắt chặt tình đồng nghiệp.

Theo đánh giá của NSND Minh Mẫn, trong 60 tiết mục được trình bày tại hội diễn, đã xuất hiện nhiều giọng ca có chất giọng tốt như Ngọc Quang (THPT Phan Thiết), Bá Văn Trực (THPT Hòa Đa), Phạm Ngọc Hưng (THPT Nguyễn Văn Trỗi), Ngọc Hạnh (Sở GD&ĐT), Khắc Lâm (THPT Hùng Vương)…Nhiều tốp ca, tam ca, song ca được dàn dựng công phu về múa minh họa, đội hình ca như các tiết mục: Giai điệu tự hào (THPT Phan Bội Châu), Dấu chân phía trước (THPT Bắc Bình), Giai điệu Tổ quốc tôi (Trường Dân tộc nội trú tỉnh) hay “Nơi đảo xa” của Trường THPT Phan Chu Trinh… đã góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, dễ dàng giúp ca khúc thấm sâu vào lòng người nghe.

Về thể loại múa, nhiều tiết mục thể hiện ý tưởng nội dung, cấu trúc, bố cục hoàn chỉnh và nhiều sáng tạo mới lạ trong cách dàn dựng. Ngôn ngữ múa được phát triển qua các động tác, tuyến, đội hình, kỹ thuật sôi động, chững chạc…mà không phải hội diễn không chuyên nào cũng có được. Điển hình là múa “Âm vang đại ngàn” của Trường THPT Phan Thiết hay “Silva” từ THPT chuyên Trần Hưng Đạo và “Hương Rơm” của Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Trong khi tốp ca Cô giáo bản em (Trường Cao đẳng Cộng đồng) và múa Hoa phấn (THPT Hàm Thuận Bắc) lại khắc họa sinh động hình tượng giáo viên, cuộc sống, tình cảm của người công tác trong ngành giáo dục vốn giàu nghị lực và sự kiên trì.

         
      Giải    nhất thể loại đơn ca thuộc về cô Lê Thị Bích Thủy (Trường Dân tộc    nội trú tỉnh) với tác phẩm “Mẹ yêu con”. Tốp ca nam nữ của Trường    THPT Phan Chu Trinh đạt giải nhất với ca khúc “Nơi đảo xa”. Tác phẩm    “Âm vang đại ngàn” không chỉ giành giải xuất sắc nhất thể loại múa    mà còn giúp đoàn nghệ thuật Trường THPT Phan Thiết giành giải nhất    toàn đoàn của hội diễn. Nhì là Trường Dân tộc nội trú tỉnh, THPT    chuyên Trần Hưng Đạo; đồng hạng ba là Trường THPT Bắc Bình, Phan Bội    Châu và công đoàn Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chí Bình



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi thầy cô “làm” ca sĩ