Theo dõi trên

Kho bạc Nhà nước Bình Thuận: Luôn khẳng định vai trò, vị trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

16/04/2020, 09:11

BT- Cùng với sự ra đời của hệ thống Kho bạc Nhà nước, Chi cục Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thuận Hải được thành lập từ ngày 1/4/1990, đến khi chia tách tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận thì Chi cục KBNN Bình Thuận chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1992. Trải qua 30 năm thành lập, đội ngũ công chức KBNN Bình Thuận đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được  giao, đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của ngành tài chính và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

                
Lãnh đạo tỉnh làm việc với Kho bạc Nhà nước    Bình Thuận.

Với tổng số 133 cán bộ, công chức, trình độ đại học 24 người chiếm tỷ lệ 18,05%, cơ sở vật chất trang thiết bị thiếu thốn… nhưng KBNN Bình Thuận đã nỗ lực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng hệ thống KBNN ngày càng hiện đại, hoạt động hiệu quả. Sau nhiều lần sắp xếp tổ chức bộ máy, đến nay KBNN Bình Thuận có 5 phòng nghiệp vụ và 9 KBNN huyện, thị xã trực thuộc với biên chế 150 cán bộ, công chức, trong đó trình độ thạc sĩ là 15 người, chiếm tỷ lệ 10%; trình độ đại học 107 người, chiếm 71%... Hàng năm, KBNN Bình Thuận đều có kế hoạch đào tạo, công chức được cử đi học đều hoàn thành tốt chương trình, qua đó nâng cao chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

  Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị

Trong những năm qua, KBNN Bình Thuận luôn phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

KBNN Bình Thuận đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành tài chính triển khai thành công dự án “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa thuế - hải quan - KBNN”; dự án phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan thu với các ngân hàng thương mại (NHTM). Trên cơ sở đó, áp dụng các hình thức thu nộp NSNN hiện đại như ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt qua NHTM, nộp NSNN qua internet, ATM, nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin của Tổng cục Thuế. Từ năm 2016 - 2019 đã mở rộng tài khoản chuyên thu tại 5 hệ thống NHTM (Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV và MB). Đến nay, KBNN Bình Thuận và các đơn vị trực thuộc đã mở tài khoản chuyên thu và tài khoản thanh toán bằng VND tại 5 hệ thống NHTM với tổng số tài khoản đã mở là 14 tài khoản. Từ đó, đa dạng hóa các hình thức thu nộp và giảm thiểu số thu bằng tiền mặt qua KBNN.

Văn phòng KBNN Bình Thuận và các KBNN huyện, thị xã trực thuộc luôn chủ động đối chiếu, rà soát số dư các tài khoản tạm thu, tạm giữ chờ xử lý của các cơ quan, đơn vị giao dịch, đồng thời thông báo số dư từng tài khoản cho chủ tài khoản hoặc cơ quan có trách nhiệm quản lý để đôn đốc, xử lý, tập trung kịp thời vào NSNN. KBNN Bình Thuận đã thực hiện cung cấp thông tin, số liệu thu NSNN hàng ngày, theo từng cấp ngân sách, đánh giá tình hình thu NSNN so với dự toán giao, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành cho các cấp lãnh đạo trong việc điều hành NSNN trên địa bàn; đồng thời giúp cơ quan thuế, hải quan chủ động trong công tác đôn đốc thu nộp.

Cùng với cải cách về quản lý thu NSNN, KBNN Bình Thuận đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN; đổi mới công tác kiểm soát chi thường xuyên và chi đầu tư qua KBNN. Đồng thời, thực hiện cơ chế “một cửa” và cam kết chi của NSNN. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát chi NSNN, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương tài chính; đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch trong công tác kiểm soát chi NSNN và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và đơn vị sử dụng ngân sách.

Trong nhiều năm qua, KBNN Bình Thuận luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN, cấp ủy, chính quyền địa phương về điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách, chủ động triển khai phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách. Những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thực hiện việc đối chiếu, xác nhận số liệu giải ngân vốn đầu tư theo từng dự án đối với từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án đảm bảo chính xác, kịp thời. Số liệu kiểm soát chi được tổng hợp chính xác hàng ngày, tuần, tháng, quý chi tiết đến từng dự án, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo KBNN, UBND các cấp. Đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán tạm ứng với kho bạc để giảm số dư tạm ứng ngân sách các cấp, đặc biệt đối với số dư giải phóng mặt bằng, tái định cư quá thời hạn.

Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) theo Nghị định số 25/2017/NĐ-CP của Chính phủ, nhiệm vụ này không chỉ mới mà còn tương đối phức tạp về mặt kỹ thuật nghiệp vụ. BCTCNN mang ý nghĩa kinh tế quan trọng, là công cụ để các nhà lãnh đạo quản lý phân tích đánh giá hiện trạng và quản lý toàn bộ các nguồn lực, nghĩa vụ và tình hình sử dụng các nguồn lực của Nhà nước. So với các báo cáo quyết toán NSNN, BCTCNN sẽ cung cấp cho các cấp có thẩm quyền, nhân dân và các nhà đầu tư bức tranh đầy đủ và toàn diện hơn về tiềm lực tài chính của khu vực tài chính nhà nước. Về lâu dài, BCTCNN góp phần nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch của thông tin tài chính nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước và phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Với mục tiêu hiện đại hóa công tác thanh toán, thực hiện kế hoạch phát triển của hệ thống KBNN đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và hình thành kho bạc điện tử, hạn chế và tiến tới cơ bản không thực hiện giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN. Tham gia hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý thu, chi bằng tiền mặt nhằm kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN qua KBNN;  hoàn thành việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử tập trung nội bộ hệ thống KBNN cũng như với các hệ thống NHTM và Ngân hàng nhà nước; áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay văn phòng KBNN Bình Thuận và KBNN huyện, thị xã đã thực hiện ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho 14 chi nhánh/ phòng giao dịch NHTM đảm nhận; trên 90% các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản…

 Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và cải cách hành chính

Hàng năm, thanh tra KBNN Bình Thuận thực hiện kiểm tra thường xuyên tại 9 KBNN huyện, thị xã và toàn bộ các phòng nghiệp vụ của KBNN Bình Thuận. Ngoài ra còn thực hiện kiểm tra đột xuất tại các đơn vị đối với các nội dung như công tác nội vụ, kho quỹ, bảo vệ...

Từ năm 2016 đến nay, KBNN Bình Thuận đã thanh tra chuyên ngành tại 18 đơn vị sử dụng NSNN trong việc chấp hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý  của KBNN. Qua thanh tra, đã kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những khuyết điểm, rủi ro trong công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Qua thanh tra còn phát hiện nhiều sai phạm trong việc chấp hành chế độ của các đơn vị sử dụng NSNN. Yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục các kiến nghị tại kết luận thanh tra, xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm. Ngoài ra, qua công tác kiểm tra nội bộ đã giúp các phòng nghiệp vụ KBNN Bình Thuận và các KBNN huyện, thị xã khắc phục những sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ, chấn chỉnh những tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý và kiểm soát hồ sơ, chứng từ.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)  KBNN nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, thanh toán, hạn chế rủi ro, gọn nhẹ thủ tục trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư khi giao dịch với KBNN. Tính đến ngày 30/3/2020 trên địa bàn tỉnh đã  có 1.202/1.277 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT, đạt 94,13%. DVCTT đã mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách cũng như công tác quản lý và điều hành quỹ NSNN của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý có liên quan tại địa phương. Thông qua DVCTT, các đơn vị sử dụng ngân sách không mất thời gian nộp hồ sơ, chứng từ đến kho bạc; độ an toàn, bảo mật cao và minh bạch trong quá trình kiểm soát hồ sơ.

 Khẳng định vị trí, vai trò KBNN Bình Thuận

Có thể nói trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, KBNN Bình Thuận luôn khẳng định được vị trí vai trò cùng những đóng góp của mình cho sự phát triển của nền tài chính đất nước và sự phát triển của tỉnh nhà. Kết quả đó được ghi nhận khi đơn vị được trao tặng nhiều danh hiệu: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận… cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Phát huy truyền thống 30 năm, đội ngũ cán bộ công chức KBNN Bình Thuận  quyết tâm giữ vững đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, chung sức, chung lòng vì mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Q. Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kho bạc Nhà nước Bình Thuận: Luôn khẳng định vai trò, vị trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ