Theo dõi trên

Khó khăn phát triển số thẻ bảo hiểm y tế

10/11/2022, 05:54

Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong tháng 10/2022 của Bình Thuận giảm so với tháng trước, nên tỷ lệ bao phủ chung của toàn tỉnh thấp hơn so với chỉ tiêu giao. Đến thời điểm này, đây là khó khăn không nhỏ trong việc phát triển số người tham gia BHYT trong tỉnh.

Giảm 0,8% so với tháng trước

Tính đến cuối tháng 10/2022, số người tham gia BHYT trên toàn tỉnh là 1.024.670 người, giảm 37.431 người so với năm 2021. Riêng tháng 10/2022, số người tham gia thẻ BHYT giảm 8.045 người, tương ứng giảm 0,8% so tháng 9/2022. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 88,6% dân số, bao gồm 86.113 người dân Bình Thuận làm việc, học tập ngoài tỉnh; thấp hơn 2,9% so chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022 (91,5%).

Nguyên nhân giảm là do người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giảm 35.853 người (không còn được cấp thẻ BHYT từ ngân sách nhà nước), tương ứng giảm 76,6% từ ngày 1/7/2021 theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình, học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia với thời gian ngắn hạn từ 1-3 tháng khi thẻ BHYT hết hạn, chưa tiếp tục tham gia lại. Số thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi hết hạn sử dụng và chuẩn bị vào lớp 1 chưa đăng ký tham gia. Nhóm HSSV tham gia BHYT có thời gian ngắn hạn chưa tham gia lại, tập trung nhiều ở các em học sinh cuối cấp của trung học phổ thông ra trường vào các trường đại học, trung cấp nghề…

Mặc khác, tỷ lệ bao phủ BHYT của các xã nông thôn mới trên toàn tỉnh đạt rất thấp, có xã tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt dưới 60%. Nếu xét theo tiêu chí 15.1 (tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 90% trở lên) được quy định tại Quyết định số 318/QĐ-TTg, thì có 38/69 xã nông thôn mới chưa đạt theo tiêu chí 15.1; 6 xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 chưa đạt theo tiêu chí 15.1. Đây là nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến việc duy trì, xây dựng xã nông thôn mới và tỷ lệ bao phủ BHYT ở các địa phương.

Vận động và huy động

Trước những khó khăn về phát triển số người tham BHYT, BHXH tích cực vận động tuyên truyền, phối hợp địa phương huy động các nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân hỗ trợ thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc xã bãi ngang ven biển.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.314 nhân viên thu của 4 tổ chức dịch vụ thu, với 381 điểm thu. Trong tháng 10/2022, các tổ chức dịch vụ thu đã vận động, phát triển 33.296 người tham gia BHYT hộ gia đình, kể cả vận động người dân đáo hạn thẻ BHYT. Với đáo hạn thẻ BHYT dưới 3 tháng, toàn tỉnh có 61.505 người, tỷ lệ đạt 77,1%. Các địa phương có tỷ lệ đáo hạn BHYT hộ gia đình dưới 3 tháng tương đối cao là Hàm Thuận Bắc (84,3%) Hàm Thuận Nam (83,1%), Tánh Linh (81,8%).

Để đạt chỉ tiêu số thẻ BHYT vào cuối năm 2022, BHXH tỉnh tăng cường phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo để đẩy mạnh công tác khai thác, phát triển người tham gia BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình, nhất là người dân sinh sống ở vùng khó khăn, miền núi; người dân thuộc các xã bãi ngang ven biển; người mới thoát nghèo không còn thụ hưởng chính sách BHYT tham gia BHYT theo hộ gia đình hoặc BHYT hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Chẳng hạn, tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với các doanh nghiệp, chương trình tọa đàm trực tuyến, truyền thông qua mạng xã hội kịp thời tư vấn, giải đáp các thắc mắc…

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhiều giải pháp để giảm nợ bảo hiểm xã hội
Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên vẫn còn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó khăn phát triển số thẻ bảo hiểm y tế