Theo dõi trên

Khoa học công nghệ là "chìa khóa vàng" để phát triển thịnh vượng

15/01/2025, 06:20

Sáng 13/1 vừa qua, tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương, kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tại các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các Ban, Bộ, Ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương, các điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã trong cả nước

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tại hội nghị này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu đã khẳng định khoa học công nghệ là "chìa khóa vàng" để phát triển thịnh vượng nên cần bố trí ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo, đây là tín hiệu đáng mừng bởi sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển khoa học, công nghệ thời gian tới. Thực tế hiện nay cho thấy, trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang được triển khai quyết liệt, Việt Nam không chỉ có cơ hội bứt phá về công nghiệp, công nghệ cao mà còn mở ra một chương mới cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu nông sản. Nếu nói về giá trị "vàng" trong kho báu nông sản Việt Nam, không thể không nhắc tới thanh long Bình Thuận, một sản phẩm quý giá của vùng đất đầy năng và gió. Đến nay, diện tích cây thanh long toàn tỉnh khoảng 26.900 ha, sản lượng đạt 460.000 tấn, tuy nhiên sản lượng thanh long chủ yếu là bán tươi, chỉ có 3 chuỗi sản phẩm thanh long được chế biến với sản lượng 165 tấn/năm. Thanh long bán tươi giá trị không cao, giá cả bấp bênh nên cần phải đổi mới phương pháp xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu chính ngạch. Những năm gần đây, xuất khẩu thanh long của tỉnh gặp nhiều thách thức hơn cơ hội khi sản lượng xuất khẩu liên tục giảm mạnh. Để giảm bớt áp lực dư thừa sản lượng thanh long, bên cạnh giải pháp điều chỉnh từ các vùng trồng, việc đẩy mạnh chế biến và sản xuất các sản phẩm từ trái thanh long là giải pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Trong đó, sản phẩm nước thanh long và bánh, mứt từ hạt thanh long là những sản phẩm mới, đang được chú ý hiện nay. Câu hỏi đặt ra là, vì sao khoa học công nghệ lại quan trọng, bởi vì nó nâng cao được giá trị gia tăng. Từ một trái thanh long, công nghệ chế biến sâu có thể tạo ra hàng chục sản phẩm khác nhau, từ rượu thanh long, trà hoa thanh long, thanh long sấy khô đến các loại dược phẩm và mỹ phẩm chăm sóc sức khỏe…Bên cạnh đó, nếu áp dụng công nghệ hiện đại giúp các sản phẩm từ thanh long đạt chuẩn quốc tế, từ đó vươn xa trên thị trường toàn cầu. Để phát triển bền vững cho cây thanh long đòi hỏi khoa học công nghệ giúp tối ưu hóa tài nguyên và đảm bảo quy trình thân thiện với môi trường, bảo tồn thương hiệu quý giá của thanh long Bình Thuận. Những đề tài, dự án khoa học công nghệ đối với cây thanh long đã đạt được một số kết quả khá toàn diện, đã và đang từng bước áp dụng trong sản xuất, chế biến thanh long. Đặc biệt là Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu hiện đã chiết tách thành công dầu hạt thanh long dùng trong y tế, làm đẹp, giúp chống lão hóa da. Mới đây, có thêm sản phẩm son môi và nước hoa khô được làm từ dầu hạt thanh long. Nước hoa, son môi, kem dưỡng da được tạo nên từ dầu hạt thanh long đều là sản phẩm thân thiện môi trường, tốt cho sức khỏe con người. Các công trình nghiên cứu gần đây còn cho thấy, trong vỏ và ruột thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ, chứa nhiều hợp chất đa vòng có thể được sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như betanin, phyllocactin, hylocerenin… Đặc biệt, vỏ quả thanh long chứa nhiều thành phần betacyanin, các hợp chất màu này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y dược, môi trường, thực phẩm. Có thể nói, từ việc nghiên cứu chế biến thanh long thành rượu, dược phẩm, mỹ phẩm, nước uống… đã mở ra nhiều hướng đi mới. Qua đó, từng bước khai thác các tiềm năng, nâng cao giá trị, để ngành hàng này có thể phát triển một cách căn cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng, tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến thanh long vẫn còn ít.

Trong thời gian tới, nếu chúng ta đầu tư bài bản vào nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đột phá phát triển khoa học, công nghệ, tin tưởng rằng cây thanh long của Bình Thuận sẽ không chỉ dừng lại là một sản phẩm địa phương, mà còn trở thành biểu tượng của sức mạnh tri thức Việt Nam. Đó là cách để nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương và lan tỏa giá trị thương hiệu Việt ra thế giới.

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trần Thị Anh Thư - “Nhà nông trẻ” xuất sắc nhận giải thưởng Lương Định Của
Năm 2024 có 36 thanh niên nông thôn toàn quốc được tôn vinh, tặng bằng khen về giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao. Bình Thuận góp một cái tên trong danh sách trên đó là nữ thanh niên Trần Thị Anh Thư, ở thôn Láng Gòn 2, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân.
Nổi bật
Đảo An Bang chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi
Hải trình đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa, tôi có dịp cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc tết đảo An Bang. An Bang được ví như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoa học công nghệ là "chìa khóa vàng" để phát triển thịnh vượng