Nặng lòng với quê hương
Bùi Viết Thuận (SN 1996), trong một gia đình có ba anh em. Mẹ của Thuận đi phụ quán bán hàng còn ba thì không có việc làm ổn định. Hàng ngày ngoài giờ đến trường, Thuận phụ ba mẹ làm việc nhà, cũng như làm những việc có thể tạo thêm nguồn thu cho gia đình.
Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp lớp 12, Thuận không nghĩ đến việc học đại học. Thuận đi học may công nghiệp, rồi làm công nhân may Nhà Bè. Nhưng rồi, Thuận không hài lòng với công việc, em quyết định chuyển sang học nghề thêu tại Sài Gòn, cũng như tự tìm đọc sách vở về một cái nghề còn khá mới: Sản xuất rau thủy canh bằng công nghệ cao.
Những ngày nghỉ, em tìm tới những nơi có hội thảo hoặc giảng dạy về kỹ thuật trồng rau sạch học hỏi, làm quen với người có kỹ thuật để tích lũy kinh nghiệm.
Bùi Viết Thuận chăm sóc vườn rau thủy canh. |
Sau khi có chút vốn nho nhỏ cùng với chút ít kinh nghiệm dắt lưng, Thuận bỏ công việc thiết kế mẫu thêu ở Công ty TNHH Phương Mi Sài Gòn với lương tháng 7 triệu đồng, quyết định về khu phố 7, phường Tân An trồng rau thủy canh công nghệ cao. Ba mẹ em phản đối quyết liệt bởi gia đình nghèo lấy vốn đâu để con làm ăn? Bày ra biết có thành công không? Dù ba mẹ phân tích, khuyên nhủ, Thuận vẫn thuyết phục gia đình hãy ủng hộ mình.
Thuận nói: “Em trăn trở rất nhiều. Hàng ngày đọc báo thấy đâu đâu cũng lo lắng chuyện thực phẩm bẩn. Chuyện những người sản xuất thiếu lương tâm dùng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng quá nhiều trong sản xuất, gây ra không biết bao nhiêu căn bệnh nan y tiềm ẩn cho người tiêu dùng nên quyết tâm làm rau sạch”.
Mong muốn là thế, nhưng Thuận gặp ngay khó khăn… là thiếu vốn. Do gia đình đang nợ ngân hàng 20 triệu đồng nên chỉ có thể vay thêm cho em 10 triệu đồng nữa mà thôi. Thương con, thấy con có chí làm ăn nên dù sợ việc con làm không thành công, gia đình cũng vay cho em 10 triệu đồng làm vốn ban đầu. Với số tiền ít ỏi đó, Thuận tính toán kỹ lắm cũng chỉ mua được 10 tấm giá thể, vải bạt, ống nước, lưới, dịch thủy canh (loại dung dịch đặc biệt bao gồm các nguyên tố đa lượng: Nitơ, kali, phốt pho, canxi và vi lượng như sắt, kẽm, đồng… trong đó hoàn toàn không có các chất kích thích tăng trưởng hay thuốc trừ sâu).
Vật lộn
Giai đoạn đầu, Thuận thử nghiệm trồng các loại rau xà lách, rau muống, rau quế, cải xanh… nhưng do thiếu kinh nghiệm rau không phát triển. Biết mình còn thiếu kiến thức, Thuận xuống Khuyến nông thị xã nhờ cán bộ giúp đỡ, cũng như ra tận Trung tâm Khuyến nông tỉnh để hỏi thêm vì sao rau non bị chết? Đã có lần, Thuận mày mò tìm số điện thoại của một trung tâm nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp) để nhờ mách nước trị bệnh cho rau non. Khi biết Thuận trồng rau thủy canh, có cán bộ nông nghiệp khuyên Thuận chú ý đến giá thể xơ dừa. Theo đó, cần xử lý xơ dừa đúng chuẩn để khử độc (lignin)… Thuận nghe theo lời khuyên, cũng như tự dặn lòng: Đừng nản chí. Không có thành công nào mà không có mồ hôi và nước mắt!
Thuận nói: “Tuổi trẻ chỉ sợ đi lạc đường, chứ đi đúng đường thì chẳng ngại khó khăn! Khó khăn nào rồi cũng qua thôi!”. |
Kết quả, sau những thất bại, trên 10 tấm giá thể rau thủy canh từ từ lên xanh, đến lúc có thể thu hoạch được. Ngày thu hoạch rau, Thuận mang rau đi biếu cô bác trong khu phố ăn thử và mang ra chợ chào hàng. Khổ nỗi, rau em làm còn ít nên chí phí cây rau cao hơn những loại rau bình thường khác. Nhiều người không mặn mà phán thẳng: “Rau nào mà chẳng là rau, nói là sạch chứ ai biết có sạch hay không”. Có cơ sở ở La Gi đồng ý nhận rau của em bán với giá thành cao hơn nhưng do ít vốn làm chưa được nhiều, nguồn hàng cung cấp rau hàng ngày không đủ nên người ta từ chối nhận hàng. Thuận nói mình rất tiếc nhưng không biết phải làm sao.
Không thể gác lại ước mơ
Không thể gác lại ước mơ vì thiếu vốn, đêm đêm Thuận tìm việc chạy bàn cho quán bar với tiền lương 2,3 triệu đồng/tháng để có thêm tiền mua thêm giá thể. Thế rồi suốt đêm làm việc ở quán, ngày em lại cặm cụi may giá thể để tiết kiệm được chi phí. Thuận nói: “Tuổi trẻ chỉ sợ đi lạc đường, chứ đi đúng đường thì chẳng ngại khó khăn! Khó khăn nào rồi cũng qua thôi!”.
Thuận quyết tâm thực hiện ước mơ cho được! Thuận tâm sự: “Cái khó nhất của em hiện nay là vốn. Giá em vay được 50 triệu đồng, con đường đi đến thành công sẽ nhanh hơn nhiều”. Rồi em kể, hôm có anh làm bên ngân hàng gợi ý cho em làm hồ sơ vay vốn khởi nghiệp, lập đề án làm ăn và xin vay. Nhưng có lẽ, em còn nhỏ tuổi quá nên họ chưa tin tưởng không dám cho vay”.
Dù thế, em nói vẫn không nản lòng. Sẽ có rau sạch do Thuận trồng để bà con ở La Gi yên tâm sử dụng. Nhìn Thuận ngồi cặm cụi bên đống giá thể đang may dở dang, thi thoảng chạy ra vườn thăm chừng vườn rau đang chớm lên, cũng như nói: “Phải tranh thủ làm vì tối còn phải chạy bàn cả đêm!”, tôi mong sao có người hỗ trợ để Thuận khởi nghiệp. Tôi cũng tin rằng: đường đi dù gian nan, nhưng với nghị lực như thế, Thuận sẽ thành công!
Phan Tuyết