Theo đó, 10 huyện, thị, thành phố nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ và thực hành phòng, chống SXH trong cộng đồng; giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do SXH; tổ chức đợt truyền thông phòng, chống SXH sâu rộng trong cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình địa phương. Thực hiện tổng vệ sinh, thu gom phế thải, súc rửa các dụng cụ chứa nước nhằm loại trừ các ổ chứa lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng. 100% điểm nguy cơ SXH tại tỉnh được tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất chủ động. Bệnh nhân sốt xuất huyết được khám bệnh, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Tính đến nay, Bình Thuận ghi nhận 680 trường hợp mắc SXH; trong đó số ca nặng cũng tăng, đều được cứu sống. Các huyện có ca mắc cao là Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình; các huyện còn lại có ca mắc rải rác.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân không nên chủ quan bệnh SXH, thường xuyên diệt lăng quăng, muỗi, dọn vệ sinh nơi ở. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH như sốt cao đột ngột, kèm theo đau đầu, buồn nôn, ban xuất huyết… người bệnh cần đưa ngay đến cơ sở y tế được khám và điều trị kịp thời