Lầy lội, mất mỹ quan
Chợ Làng có hơn 120 tiểu thương buôn bán các loại thịt, cá, rau, củ, quả, quần áo… Việc mua bán diễn ra dọc hai bên đường Lý Thái Tổ, bắt đầu từ điểm tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng đi thẳng vào vài trăm mét và trên các con hẻm dẫn vào trong khu dân cư. Thời gian họp chợ từ 6 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa. Người dân buôn bán trên đoạn đường này khá tấp nập; đặc biệt vào những ngày cuối tuần, lượng mua bán càng đông đúc hơn. Các phương tiện khó lưu thông, xảy ra ùn tắc vào thời điểm họp chợ trong hẻm và trên tuyến đường này. Ngoài ra, người buôn bán che chắn bằng nhiều loại vật dụng khác nhau, cơi nới chỗ ngồi bán ở hai bên đường.
Anh Nguyễn Tài và một số người dân sống tại chợ Làng kiến nghị: “Khi mưa đến, nước ở chợ thoát khá chậm, bốc mùi ảnh hưởng đến người dân sống ở đây. Cảnh mua bán ở chợ Làng trong tình trạng lầy lội, ẩm thấp… Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương xây dựng lại chợ cho sạch sẽ, khang trang hơn”.
Ông Lê Văn Thẩn - Chủ tịch UBND phường Hưng Long thừa nhận: Các tiểu thương ở chợ Làng che màn, bạt, làm kiot trên đường Lý Thái Tổ ảnh hưởng việc đi lại của dân cư khu vực này; chưa kể buôn bán đổ nước thải, rác… Một số hộ dân khiếu kiện đến UBND phường Hưng Long và UBND TP. Phan Thiết do tiểu thương che chắn cố định trước mặt nhà người dân đang sinh sống và yêu cầu tháo dỡ tấm che chắn để tạo lối đi thông thoáng. Đồng thời, một số người dân đề nghị chính quyền xây lại chợ tránh tình trạng gây cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đô thị.
Không có quỹ đất
Được biết, chợ Làng là chợ tạm, được hình thành từ năm 1979 đến nay. Thực tế, diện tích của chợ Làng chỉ là khu đất 290m2. Vì thế, tiểu thương buôn bán dọc trên các con hẻm đường đất, đường đi trong xóm làng. Không chỉ người ở địa phương mà còn từ Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đến buôn bán. Đặc thù của chợ Làng, đa số vợ con của người dân làm nghề lao động biển buôn bán. Sau chuyến biển, thuyền viên chia phần cá mang về ăn. Tuy nhiên để cải thiện bữa ăn, phần cá ấy được mang ra chợ bán lại đổi lấy thịt, rau, củ quả… Đây cũng là nét văn hóa của người dân làng chài hoạt động ở chợ Làng truyền thống.
Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đất của UBND TP. Phan Thiết trong thời gian đến không có quy hoạch chợ cho phường Hưng Long, bởi không có quỹ đất. Với diện tích 290m2 của chợ tạm thì quá ít, không có khả năng mở rộng không gian, thì không thể xây dựng được chợ mới. Trong khi đó, xung quanh chợ Làng có chợ Phú Thủy, siêu thị, chợ Phan Thiết với khoảng cách gần, thuận tiện trong việc mua sắm của người dân. Thời gian qua, UBND phường Hưng Long cũng tiến hành làm khảo sát với người dân và tiểu thương về việc giữ lại chợ hay giải thể chợ. Kết quả là 95% đồng ý giữ lại chợ truyền thống này. UBND Tp. Phan Thiết yêu cầu địa phương thường xuyên tăng cường kiểm tra, làm tốt công tác quản lý, trật tự đô thị không để người dân che chắn cố định gây ùn tắc giao thông. Đó là chia sẻ của ông Thẩn.
Một số người dân cho biết: Chợ Làng là chợ truyền thống đặc thù của người dân Hưng Long, duy trì chợ là cần thiết. Bởi chợ truyền thống không những là nơi giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ, nơi mưu sinh cho những người phụ nữ khó khăn ở thành thị với con cá, mớ rau, mà còn là nét truyền thống hoạt động buôn bán ở chợ.
Để chợ truyền thống nói chung, chợ Làng nói riêng tiếp tục phát triển khang trang hơn trong hoàn cảnh không có quỹ đất ở đô thị là một câu hỏi trong bài toán tổng thể ở đô thị.