Theo dõi trên

Không được chủ quan với bão YINXING

08/11/2024, 17:55

BTO-Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì tại cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó bão số 7 (YINXING) diễn ra vào chiều 8/11. Tham dự họp có đại diện một số bộ, ngành, đơn vị liên quan và kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.

Tại đầu cầu Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sáng ngày 6/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát tin cơn bão YINXING gần biển Đông với cường độ cấp 13, giật cấp 16. Sáng ngày 8/11, bão YINXING đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024. Lúc 13 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sức gió cấp 14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15km/h. Dự kiến bão đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.

2ebc620299b921e778a8.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp đầu cầu Hà Nội.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 11 giờ ngày 8/11, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 87 tàu/582 người hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.Riêng thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, tính đến 13 giờ ngày 8/11, trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 909 tàu, trong đó có 441 tàu biển và 498 phương tiện thuỷ nội địa. Về nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản thông tin, tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận hiện có 151.855 ha; 192.153 lồng bè; 3.003 chòi canh nuôi trồng thủy sản...

fca9fe130aa8b2f6ebb9.jpg
Cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Thuận.

Riêng tại Bình Thuận, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, lực lượng, trang thiết bị theo phương châm ‘4 tại chỗ’ để chủ động ứng phó. Đồng thời kiểm tra, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú. Tỉnh Bình Thuận cũng rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư tại các khu vực ven biển nguy hiểm, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi bão có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ chứa nước. Hiện nay các hồ chứa nước đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, 9 hồ chứa đang điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình.

2516e20aa5741d2a4465.jpg
Tàu thuyền Bình Thuận neo đậu tại sông Cà Ty (Phan Thiết).

Tổng số tàu thuyền toàn tỉnh hiện có 9.626 tàu/49.451 lao động. Đến 9 giờ ngày 8/11, có 2.545 tàu/12.135 lao động đang hoạt động trên biển. Không có tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực, vùng nguy hiểm của bão. UBND các địa phương ven biển đã thông báo cho các chủ bè biết tình hình thời tiết, sóng to, gió mạnh và ảnh hưởng của bão YINXING để gia cố, chằng buộc an toàn. Ngoài ra, rà soát, cập nhật kế hoạch di dời, sơ tán dân khi có bão đổ bộ …

Sau khi nghe báo cáo tình hình của một số tỉnh, thành và bộ, ngành, đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, cơn bão số 7 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp nên chúng ta không được chủ quan. Đặc biệt lưu ý, thời gian qua một số tỉnh miền Trung đã và đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề của các cơn bão trước nên lo ngại về tâm lý người dân mệt mỏi. Do đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về ứng phó cơn bão số 7. Trong đó, hướng tập trung nhiều hơn về an toàn trên biển. Cùng với đó, lưu ý các bộ ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống đê điều, hồ chứa vừa đảm bảo an toàn vừa phải đảm bảo nguồn nước trong mùa khô tới. Song song, các địa phương cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Riêng với các tỉnh, thành bị ảnh hưởng các cơn bão trước, cần tranh thủ thời gian trước khi cơn bão số 7 đổ bộ để tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả càng nhanh càng tốt, nhất là những vùng trũng, thấp; phối hợp tốt về công tác thông tin.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phan Thiết: Phòng chống thiên tai “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn
Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2024, bước vào cao điểm mùa mưa lũ trong năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt mưa lớn, gây thiệt hại về người và tài sản, hạ tầng, cây trồng của nhân dân. Trong đó tại TP. Phan Thiết, tình hình sạt lở, cát tràn xảy ra liên tục, gây ảnh hưởng đến nhiều mặt.
Nổi bật
Mang quà tết ra quần đảo Trường Sa
BTO-Chiều 26/12, tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), các tàu đi thăm, động viên, chúc tết quân - dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu vươn khơi. Những tàu ấy không chỉ có hàng hóa, nhu yếu phẩm mà còn mang theo tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước hướng về quần đảo Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không được chủ quan với bão YINXING