Nhiều địa phương bị sạt lở bờ sông, bờ biển
Tỉnh Bình Thuận có vai trò, vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt là kinh tế biển, đảo. Tuy nhiên, Bình Thuận cũng bị ảnh hưởng khá lớn trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có những yếu tố bất thường hơn, sạt lở không chỉ xảy ra trong mùa mưa lũ mà cả trong mùa khô, không chỉ ở bờ biển mà cả bờ sông. Tình trạng sạt lở tại một số khu vực có nguy cơ gây mất an toàn tại các bãi biển, nhà cửa, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Những năm gần đây, tình trạng xâm thực sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh có quy mô ngày càng lớn hơn, có năm hàng chục km bờ biển bị sạt lở ăn sâu vào bờ biển. Đã có hàng trăm hộ dân phải di dời do sạt lở bờ sông, bờ biển. Nhiều cơ sở hạ tầng khu du lịch, resort và cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản bị mất đất do bị sóng cuốn trôi, gây thiệt hại lớn. Huyện Tuy Phong có nhiều địa phương bị ảnh hưởng do sạt lở bờ biển như các xã: Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Bình Thạnh, Hòa Phú, thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa. Ở những địa phương trên thường xuất hiện nhiều đợt triều cường, sóng biển lớn gây sạt lở, xâm thực bờ biển. Thành phố Phan Thiết hàng năm cũng có nhiều địa phương bị ảnh hưởng do triều cường, sóng to, gió lớn làm sạt bờ biển thuộc các phường như: Hàm Tiến, Phú Hài, Đức Long, Tiến Thành…
Nguyên nhân gây xói lở bờ biển ở một số địa phương trong tỉnh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định là do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và phức tạp dẫn đến diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường. Bên cạnh đó do hình thái bờ biển Bình Thuận có hướng Đông Bắc - Tây Nam trực tiếp đón sóng mùa gió Đông Bắc và cấu tạo địa chất ven biển Bình Thuận bở rời được cấu tạo từ cát dễ bị xói lở. Đây là 2 yếu tố nội tại góp phần làm cho bờ biển bị xói lở và một số nguyên nhân khác. Đối với các sông trên địa bàn tỉnh đều ngắn và dốc đổ ra biển tại các cửa như: Liên Hương, Phan Rí (Tuy Phong); Phú Hài, Cà Ty (Phan Thiết)… Bên cạnh đó tại các cửa sông có hệ thống kè bảo vệ luồng lạch dẫn tới một bên bờ bị xói lở nghiêm trọng, bên đối diện lại bồi lấp mạnh.
Nhiều giải pháp đã được tỉnh triển khai thực hiện
Để ứng phó, khắc phục xâm thực, gây sạt lở bờ sông, bờ biển, tỉnh Bình Thuận đã huy động nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để xây dựng được nhiều tuyến kè kiên cố, góp phần ổn định dân cư, cũng như hoạt động kinh doanh du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Bình Thuận tiếp tục huy động vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương xây dựng kè kiên cố, sử dụng vốn ngân sách tỉnh đối ứng nâng cấp, sửa chữa kè một số khu vực mang tính bức xúc, cấp thiết. Nhưng về lâu dài, công tác kiên cố bảo vệ bờ biển còn rất lớn so với Dự án Quy hoạch công trình chống xói lở tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, quy mô của quy hoạch tổng chiều dài kè bảo vệ bờ khoảng 117 km gồm kè bảo vệ khu dân cư, khu sản xuất và kè bảo vệ khu du lịch, với tổng kinh phí khoảng 3.538 tỷ đồng. Do thiếu nguồn vốn nên việc triển khai thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế, vì vậy để đảm bảo ổn định bờ biển góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh rất cần hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư xây dựng công trình kè kiên cố bảo vệ bờ biển. Nhiệm vụ trước mắt, tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm tra các công trình dân dụng và công nghiệp trong phạm vi hành lang an toàn khu vực ven sông, ven biển để có kế hoạch di dời trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời lập mới quy hoạch các Khu dân cư nhằm bố trí, sắp xếp, di dời các khu dân cư ven biển, ven sông giảm thiểu nguy cơ mất an toàn do sạt lở. Quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp phép xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ ảnh hưởng đến sạt lở. Giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ quy hoạch xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở ven sông, ven biển, bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề truyền thống, di tích lịch sử… và có kế hoạch triển khai trong các giai đoạn sắp tới. Rà soát, quy hoạch sắp xếp lại các khu dân cư, chủ động di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở, trước hết là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đầu tư xây dựng các khu dân cư nhằm bố trí, sắp xếp, di dời các khu dân cư ven biển, ven sông, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn do sạt lở. Đặc biệt là tỉnh tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí đầu tư các công trình kè biển kiên cố trong giai đoạn dài hạn, sớm bố trí ngân sách của tỉnh để hỗ trợ cho UBND cấp huyện xây dựng các công trình kè tạm nhằm bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật ven sông, ven biển. Bên cạnh đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển…