Diễn tập PCCR tại Tà Cú. |
Năm nào cũng vậy, Hàm Thuận Nam triển khai thực hiện công tác PCCR từ khoảng tháng 12 đến tháng 5 hàng năm. Toàn huyện có gần 50 ngàn ha rừng, phân bổ ở tất cả 13 xã, thị trấn. Trong đó diện tích rừng tương đối lớn là ở 2 xã vùng cao Hàm Cần, Mỹ Thạnh. Ngoài ra còn có điểm nóng về cháy rừng là Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Với đặc điểm là rừng nhiệt đới, thường rụng lá vào mùa khô nên rất dễ xảy ra cháy nếu công tác phòng chống không triển khai tốt. Chính vì vậy, đầu mùa khô 2016, các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng tập trung tổ chức thực hiện tốt kế hoạch PCCR.
Ông Nguyễn Hữu Phương – Phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết: Kế hoạch PCCR hiện được các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương, các hộ dân nhận khoán bắt tay thực hiện. Tại Ban quản lý, công tác đốt chần, gắn bảng tuyên truyền cấm lửa lên cây rừng đang được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ban còn tân trang, sửa chữa 15 máy thổi gió để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ngoài ra, gần 50 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn còn được tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức PCCR, bảo vệ rừng, không đốt củi hầm than trong rừng. Mùa khô năm 2015, toàn huyện tổ chức đốt chần 99,7 ha. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Capet đốt diện tích nhiều nhất với 51,2 ha… Khu bảo tồn xảy ra trên 20 vụ cháy rừng do thời tiết nắng khô hạn kéo dài. Hiện trạng chủ yếu là cháy thực bì, cỏ khô không gây thiệt hại đến cây rừng. Nguyên nhân chủ yếu là do rừng khộp thường rụng lá về mùa khô tạo thành thảm thực vật khô dày. Dân cư sinh sống trong và ven rừng còn nhiều, thường canh tác, đốt nương làm rẫy. Hơn nữa, lượng khách tham quan du lịch chùa Núi Tà Cú thường tăng cao về mùa khô nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác PCCR…
Trong những tháng đầu mùa khô 2016, Ban quản lý rừng thường xuyên đôn đốc nhắc nhở người dân, các địa phương và đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng. Đồng thời, tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát thường xuyên để chủ động nắm bắt, phát hiện cháy. Từ đó, kịp thời huy động lực lượng dập lửa không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại tài nguyên rừng. Về lâu dài, Ban quản lý tiếp tục bảo vệ rừng theo phương châm “phòng cháy là chính, chủ động ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng”. Trong đó, chú trọng vào các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ, phòng chống cháy rừng cho cộng đồng dân cư ở những nơi có rừng, vận động mọi người hưởng ứng, tích cực tham gia phòng chống cháy rừng…
Kim Anh