Sinh viên Mỹ đến khu bảo tồn nghiên cứu cảnh quan, môi trường. |
Điều đó là một gợi ý cho việc nên gấp rút xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (KBTTNTC - Hàm Thuận Nam) trở thành một điểm du lịch xanh?
Trên thực tế KBTTNTC và Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu đều có những loài cây, con đặc hữu, cần bảo tồn. Trong một tài liệu gần đây chúng tôi đọc được, hệ thực vật và hệ động vật của KBTTNTC dù chưa được nghiên cứu đầy đủ, song đã ghi nhận 94 loài chim thuộc 38 họ của 15 bộ. Trong vài năm gần đây, một số nhà khoa học còn tìm thấy ở KBTTNTC có loại thằn lằn đá ít thấy. Về hệ thực vật khoảng 1.000 loài, trong đó hơn 1/4 số loài có thể làm dược liệu. Tiếng đồn về KBTTNTC từ lâu vang đi rất xa, qua tận trời tây. Bằng chứng trong 5 năm trở lại đây, vào mùa hè, Ban quản lý khu bảo tồn thường đón vài chục sinh viên Mỹ đến nghiên cứu về cảnh quan, môi trường, chưa kể một số đoàn các nhà khoa học trong nước đến nghiên cứu. Ngoài ra, KBTTNTC cũng được du khách, người hành hương đánh giá tốt về cảnh quan thiên nhiên, sự hấp dẫn của ngọn núi sót ven biển cực Nam Trung bộ là núi Tà Cú, của các loài cây, con đặc hữu. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn riêng của KBTTNTC, chưa kể lân cận khu bảo tồn còn có một số điểm tham quan khác như: bãi biển Kê Gà, suối nước nóng Bưng Thị… Vì vậy, cùng với việc bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang có, cần nghiên cứu để phát triển du lịch trong KBTTNTC. Điều này là không mới, bởi không chỉ Khu bảo tồn Bình Châu - Phước Bửu mà nhiều nước ở Đông Nam Á đã và đang làm, rõ nhất là Singapore và Thái Lan. Gần đây, ông Mai Văn Quỳnh, Giám đốc KBTTNTC cho biết: “Đang có sự nghiên cứu về du lịch tại khu bảo tồn”. Hy vọng trong tương lai gần, trên bản đồ du lịch Bình Thuận xuất hiện thêm điểm du lịch sinh thái tại KBTTNTC!
Tân Thuận